1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Trung Quốc nêu lý do khiến tàu ngầm bị Anh phát hiện

Minh Phương

(Dân trí) - Một nhược điểm của các tàu ngầm Trung Quốc khiến chúng bị nhóm tác chiến tàu sân bay Anh phát hiện khi qua Biển Đông. Tuy vậy, truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một lý giải khác.

Báo Trung Quốc nêu lý do khiến tàu ngầm bị Anh phát hiện - 1

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh (Ảnh: Hải quân Anh).

Hãng tin Daily Express đầu tuần này đưa tin, hôm 2/8, nhóm vận hành trên tàu HMS Kent và HMS Richmond trong nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, đã phát hiện hai tàu ngầm lớp Type 093 của Hải quân Trung Quốc bám theo khi nhóm tàu di chuyển từ Biển Đông đến Tây Thái Bình Dương.

Sau khi di chuyển qua eo biển Luzon, nhóm tàu của Anh tiếp tục phát hiện tàu ngầm Type 093 thứ ba của Trung Quốc bám theo. Đội vận hành nhóm tàu Anh cho biết, họ phát hiện các tàu ngầm của Trung Quốc do "âm thanh đặc trưng phát ra từ chân vịt" của chúng.

Chỉ vài giờ sau khi những thông tin này xuất hiện, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã bác bỏ thông tin cho rằng các tàu ngầm của nước này bị phát hiện khi đang bí mật bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay Anh.

Global Times dẫn lời một chuyên gia giấu tên cho biết: "Các tàu của Hải quân Trung Quốc có thể đã dùng tàu HMS Queen Elizabeth làm mục tiêu giả định. Có thể tàu ngầm Trung Quốc đã cố ý lộ ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhằm phát đi thông điệp cảnh báo nhóm tàu Anh".

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh hồi cuối tháng 5 đã bắt đầu hành trình dự kiến kéo dài 28 tuần đến châu Á. Trong hành trình này, nhóm tác chiến tàu sân bay dự kiến thăm hơn 40 quốc gia ở khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hoạt động triển khai này được coi là một phần trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) nhằm khẳng định tầm ảnh hưởng của Anh hậu Brexit cũng như nhằm kiềm chế sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tháng trước, Anh cũng tuyên bố triển khai thường trực hai tàu chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ cuối tháng 8.

Truyền thông Trung Quốc từng cho biết, Bắc Kinh sẽ theo dõi sát các hoạt động của tàu chiến Anh và sẵn sàng đối phó "mọi hành động không thích hợp".

Trước đó, Hải quân Anh được cho là đã lường trước được kịch bản có thể bị các tàu của Trung Quốc bám theo khi ở hoạt động ở các vùng biển trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 30/7 tuyên bố, tàu chiến Anh sẽ hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép. "Các tàu của Trung Quốc chắc chắn bám theo và gây khó khăn. Nhưng chúng tôi tôn trọng Trung Quốc và cũng hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng chúng tôi", Bộ trưởng Wallace nói.

Trung Quốc hiện có 6 tàu ngầm thế hệ mới với tên gọi chính thức là tàu ngầm lớp Type 093 được đưa vào biên chế năm 2006, trong số 66 tàu ngầm đang hoạt động. Với 85 thủy thủ, tàu ngầm này có thể hoạt động 80 ngày và có khả năng phóng các tên lửa siêu thanh diệt hạm.

Một chuyên gia giấu tên nhận định: "Trung Quốc đang phát triển năng lực tàu ngầm mà chúng ta không nên đánh giá thấp mặc dù họ chưa có kinh nghiệm thực chiến như các đội tàu ngầm của Mỹ và Anh".