1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Trung Quốc lớn tiếng đe dọa cản trở tàu Nhật Bản ở Biển Đông

(Dân trí) - Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 15/8 đã lớn tiếng đe dọa cản trở các tàu của Nhật Bản đi lại trên Biển Đông nếu Tokyo vẫn tiếp tục kế hoạch phát triển tên lửa mới và triển khai tới các đảo trong một động thái nhằm đối phó với Bắc Kinh tại biển Hoa Đông.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp tại biển Hoa Đông (Ảnh: Reuters)
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp tại biển Hoa Đông (Ảnh: Reuters)

Báo Yomiuri Shimbun ngày 14/8 đưa tin Nhật Bản đang lên kế hoạch phát triển một loại tên lửa đất đối hải mới nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này ở các đảo phía nam. Các tên lửa dự kiến sẽ được triển khai ở các đảo, trong đó có đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa. Tên lửa có tầm bắn lên tới 300 km, bao trùm toàn bộ vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), cũng là khu vực tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh từ nhiều năm nay. Với việc triển khai loại tên lửa này tại Miyako, nơi cách Senkaku chỉ 170 km, Nhật Bản muốn tăng cường khả năng phòng thủ trên biển Hoa Đông và đối phó với các hành vi xâm phạm lãnh hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 15/8 đã đăng tải một bài xã luận lớn tiếng nói rằng việc triển khai tên lửa của Nhật Bản tại vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku có thể đe dọa tất cả các tàu của Trung Quốc đi qua vùng biển này. Lý do là vì Miyako nằm ở cửa ngõ eo Miyako, một tuyến hàng hải quốc tế, đồng thời là tuyến đường huyết mạch để hải quân Trung Quốc đi ra Thái Bình Dương. Nếu tên lửa được triển khai ở Miyako thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tàu Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh tố Tokyo không tôn trọng tự do đi lại trong vùng biển quốc tế.

Bài xã luận ngang nhiên đưa ra so sánh rằng Nhật Bản từng yêu cầu đảm bảo tự do đi lại ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhưng bây giờ lại muốn “trở thành nước thống trị eo Miyako và quyết định có cho phép tàu hải quân và tàu dân sự Trung Quốc qua lại hay không”. Thời báo Hoàn cầu còn lớn trắng trợn đưa ra lời đe dọa đối với Tokyo, rằng: “Nếu Nhật Bản muốn gây phiền nhiễu với Trung Quốc trên tuyến hàng hải ra Thái Bình Dương, vậy thì đừng “nổi đóa” lên nếu Bắc Kinh hạn chế những tuyến hàng hải của Tokyo trên Biển Đông”.

“Quân đội Trung Quốc nên xem đảo Miyako được (Nhật Bản) quân sự hóa trở thành một mục tiêu của mình, có nghĩa là có thể xem xét việc phá hủy những cơ sở trên đảo nếu xảy ra chiến tranh với Nhật Bản”, tờ báo viết với giọng điệu hung hăng. “Tốt nhất là không nên để kịch bản này xảy ra vì lợi ích của cả hai nước”. Cũng theo báo này, Trung Quốc không có ý định để xảy ra đối đầu với các nước láng giềng hoặc với Mỹ vì điều đó không phù hợp với lợi ích quốc gia của Bắc Kinh.

Phép so sánh “ngược đời”


Cấu trúc lục giác bí ẩn Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)

Cấu trúc lục giác bí ẩn Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)

Bài xã luận cũng đặt ra phép so sánh khập khiễng giữa việc Nhật Bản quân sự hóa đảo Miyako trên biển Hoa Đông bằng cách đưa tên lửa ra đảo với việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Theo Ashley Townshend, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney và hội viên Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Phục Đán, hai vấn đề trên hoàn toàn khác nhau.

“Nơi Nhật Bản định quân sự hóa thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang diễn ra ở các thực thể còn tranh chấp, trong đó có nhiều thực thể bị mở rộng nhân tạo, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á khác”, nhà nghiên cứu Ashley Townshend nhận định.

“Điều đó dẫn tới việc các hành động của Trung Quốc là phi pháp và mang tính khiêu khích, còn Nhật Bản thì không như vậy”, Townshend nhấn mạnh.

Nhật Bản không sử dụng Lực lượng Phòng vệ của nước này để ngăn cản tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đi qua khu vực eo Miyako cũng như các vùng biển quốc tế tiếp giáp với lãnh hải của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc lại làm như vậy trên Biển Đông. “Trung Quốc, ngược lại, đã để quân đội hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn cản các nước hoạt động tại vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền”, Townshend nói thêm.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp về lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông ngày càng có xu hướng gia tăng. Hồi tháng 6, Tokyo đã lên tiếng chỉ trích việc tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc tiếp cận quá gần vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã trao công hàm phản đối Trung Quốc về những vụ việc mà Tokyo cho rằng Bắc Kinh đã xâm phạm hải phận của nước mình.

Thành Đạt

Tổng hợp