Báo Nga: Trung Quốc khai hỏa cuộc chiến hộ chiếu
(Dân trí) - Báo "Độc lập" (Nga) ngày 26/11 có bài viết nhận định bằng việc cấp cho công dân hộ chiếu sinh trắc học có in bản đồ hình lưỡi bò, Trung Quốc đã chính thức khai phát súng đầu tiên vào bầu không khí vốn đang căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Bài báo cho biết trong cuộc xung đột lãnh thổ với Ấn Độ trước đây, Trung Quốc đã sử dụng một mánh khóe ngoại giao bằng cách in lên hộ chiếu bản đồ những khu vực tranh chấp và coi đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Khi đó Ấn Độ đã đáp trả bằng cách dùng con dấu có hình bản đồ của mình để đóng dấu xuất-nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. Việt Nam và Philippines cũng đã tuyên bố phản đối Trung Quốc vì việc làm tương tự. Theo nhận định của các chuyên gia, mục đích chính của Bắc Kinh là dùng biện pháp này để gây áp lực về cả chính trị lẫn quân sự nhằm ép các nước châu Á phải nhượng bộ.
Trước đó, giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng từng xảy ra đối đầu ngoại giao theo kiểu ăn miếng trả miếng xung quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp ở dãy núi Himalaya, có tổng diện tích tương đương gấp vài lần Thụy Điển. Ngày nay, Trung Quốc cũng lại là người khai phát súng đầu tiên trong bầu không khí vốn đã căng thẳng hiện nay bằng cách cấp cho công dân nước này hộ chiếu sinh trắc. Trên một trong những trang của hộ chiếu này, các khu vực tranh chấp với Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và một loạt quốc gia Đông Nam Á khác được thể hiện như là của Trung Quốc. Rõ ràng, nếu Ấn Độ, Việt Nam và Philippines đóng dấu nhập cảnh lên các cuốn hộ chiếu này cho khách Trung Quốc thì mỗi một lần hạ con dấu là một lần các nước này công nhận tính hợp pháp các yêu sách của Trung Quốc.
Trao đổi với tờ "Độc lập", ông John Blackland, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Áo cho rằng hành động của Trung Quốc là đầy tính toán. Đây là một phần của "trò chơi dai dẳng" mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cầm quyền trong 10 năm tới đang dựng lên. Trò chơi này có thể chỉ phát huy tác dụng từ từ và không rõ nét, song cuối cùng cũng sẽ đạt được mục đích đề ra.
Việt Nam và Philippines cũng đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao. Tuy nhiên, New Delhi phản ứng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động thực tế. Họ dùng con dấu có in hình các phần lãnh thổ tranh chấp như của Ấn Độ để đóng lên hộ chiếu của các công dân Trung Quốc. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố bản đồ trên hộ chiếu Trung Quốc là không thể chấp nhận. Ấn Độ rất thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh vì đây là đồng minh và nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không muốn Ấn Độ cho Dalai Lama và khoảng 120 nghìn người tị nạn Tây Tạng cư trú. Ấn Độ tuyên bố rằng Trung Quốc đang kiểm soát 41.400 km2 đất của Ấn Độ tại vùng Kashmir, còn Trung Quốc cũng khẳng định bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ tiếp giáp với Tây Tạng thuộc về Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ "Độc lập", chuyên viên khoa học cao cấp Viện nghiên cứu Đông phương Viện Hàn lâm khoa học Nga Feliks Yurlov cho rằng trao đổi thương mại song phương Trung-Ấn đang đạt khoảng 77 tỷ USD, vì vậy không bên nào muốn đẩy quan hệ đến mức bị đe dọa. Cuộc xung đột hộ chiếu trước hết chỉ là nhân tố chiến tranh tuyên truyền thông tin. Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ mạnh vì nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 3-4 lần Ấn Độ. Mặc dù giữa hai nước đã xảy ra chiến tranh năm 1962, nhưng tình hình và điều kiện hiện nay đã thay đổi căn bản. Hiện nay hiểm họa lớn nhất đối với Ấn Độ là khả năng Trung Quốc xây dựng các con đập trên thượng nguồn sông Brakhmaputra. Nếu những con đập này được xây thì các bang Assam và Tây Bengal của Ấn Độ sẽ lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng.
Tranh cãi chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng xung quanh các quần đảo ở Biển Đông đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á và Thái Bình Dương tổ chức tại Campuchia vừa qua. Kết quả các nước thành viên ASEAN, vì sự bất đồng của Campuchia, đã không thể đạt được tiến triển trong Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) như mong muốn.
Trà My