Báo Mỹ: Ông Trump có thể ép Ukraine làm hòa với Nga nếu đắc cử
(Dân trí) - Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, cựu Tổng thống Donald Trump dự định gây áp lực buộc Ukraine phải hòa đàm với Nga nếu chiến thắng trong trận tái đấu với Tổng thống Joe Biden.
Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, các cố vấn của ông Trump đang bàn cách đưa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin nối lại đàm phán ngay sau lễ nhậm chức trong trường hợp ông đắc cử.
Một cố vấn cho rằng Washington có thể giúp thúc đẩy Kiev hợp tác với Moscow bằng cách đe dọa cắt giảm viện trợ quân sự. Ngược lại, Mỹ cũng dọa tăng cường viện trợ cho Ukraine để kéo Nga vào bàn đàm phán.
Các cố vấn của ông Trump như Larry Kudlow và Robert O'Brien cũng từng công khai kêu gọi áp biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với ngân hàng trung ương Nga để thuyết phục Điện Kremlin.
Nguồn tin của Bloomberg nhấn mạnh rằng, phụ tá của ông Trump chưa thảo luận vấn đề này với đại diện của phía Nga hay Ukraine, vì hành vi ấy là bất hợp pháp.
Moscow nhiều lần nói sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng chỉ sau khi ông Zelensky hủy sắc lệnh cấm thương thuyết với bộ máy lãnh đạo hiện tại của Nga.
Tổng thống Ukraine đã ra lệnh cấm vào mùa thu năm ngoái sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, động thái bị Kiev và các nước phương Tây lên án.
Liên minh NATO 2 cấp?
Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, một nội dung khác trong chính sách đối ngoại tiềm năng của ông Trump là khái niệm "liên minh NATO 2 cấp". Theo ý tưởng này, điều khoản phòng thủ chung của NATO sẽ chỉ áp dụng cho những quốc gia đã đạt mức chi tiêu quốc phòng nhất định.
Trong khi đó, một số cố vấn khác đề xuất áp dụng sắc thuế mới đối với những nước thành viên chây ỳ hoàn thành nghĩa vụ tài chính với NATO.
Các nguồn tin nhấn mạnh, chưa có quyết định cuối cùng về những vấn đề trên.
Theo Bloomberg, chính sách đối ngoại tiềm năng của ông Trump có thể đảo ngược chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời có nguy cơ làm rạn nứt NATO.
Trước thông tin của Bloomberg, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/2 cho biết: "Điều 5 - trong đó cam kết rằng đòn tấn công vào một đồng minh sẽ được coi là đòn tấn công vào tất cả - là cốt lõi của NATO".
"Chúng ta không nên theo đuổi bất cứ con đường nào cho thấy rằng chúng ta đang cố gắng chia tách châu Âu khỏi Bắc Mỹ. Sức mạnh nằm ở việc có châu Âu và Bắc Mỹ cùng nhau trong NATO", ông Stoltenberg nói.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã liên tục kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP, ngưỡng khó đạt được đối với nhiều nước.
Tính đến tháng 7/2023, chỉ có 11 thành viên NATO đạt hoặc vượt mức này. Nhưng theo ước tính mới nhất, con số này dự kiến tăng tới 18 nước trong năm nay.
Mối quan hệ căng thẳng giữa NATO và ông Trump lại trở thành tâm điểm trong tuần này, sau khi cựu Tổng thống kể mình đã dọa lãnh đạo một nước châu Âu rằng Mỹ sẽ để Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" nếu nước này không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của khối.
Bloomberg dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết, lãnh đạo mà ông Trump "dọa" là cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Joe Biden và các đồng minh ở châu Âu đã lên án lời cảnh báo của ông Trump.