Báo Mỹ nêu kế hoạch giả định Trung Quốc tấn công Nhật Bản
(Dân trí) - Căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản xoay quanh vấn đề Biển Đông và Hoa Đông đã làm tăng khả năng xung đột vũ trang giữa hai nước. Tạp chí Mỹ National Interest mới đây nêu một kịch bản tấn công mà Trung Quốc có thể sử dụng trong trường hợp xấu nhất.
Căng thẳng Trung-Nhật đang gia tăng do các vấn đề ở Biển Đông và Hoa Đông. (Ảnh:NT/Uyên Châu)
Đường đến... chiến tranh
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, nhiều lý do khiến chiến tranh có thể nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chỉ một sự cố trên Biển Đông cũng có thể dẫn đến mất kiểm soát. Trung Quốc cũng có thể muốn "trả mối thù xưa" vì thất bại trong cuộc chiến Trung - Nhật (1894-1895) và tổn thất trong chiến tranh thế giới thứ hai. Để đối phó căng thẳng trong nước, Bắc Kinh cũng có thể gây chiến với nước ngoài nhằm khơi gợi tình yêu nước của dân chúng.
Bất luận vì lý do gì thì trong kịch bản này, Trung Quốc được cho cũng là bên quyết định thời điểm “xử lý vấn đề Nhật Bản”. Bắc Kinh có thể giáng cho Nhật Bản một đòn chí mạng và một chiến thắng như vậy sẽ "đóng nêm" cho quan Mỹ-Nhật, đặt dấu chấm hết cho liên minh này và đẩy Mỹ lùi về Guam (?)
Kế hoạch tấn công
Trung Quốc phong tỏa được Đài Loan, loại bỏ sự kháng cự của Đài Loan, trung lập hóa giới lãnh đạo xứ Đài, cũng theo tác giả Mizokami. Năng lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) giờ lớn mạnh nên kế hoạch tương tự có thể được áp dụng với một quốc gia ở xa hơn.
Đầu tiên, PLA sẽ mở một đợt oanh kích đột ngột bằng tên lửa với mục đích tiêu diệt khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Lực lượng thực hiện đợt tấn công này là các tên lửa đạn đạo của Quân đoàn pháo binh số 2 PLA. Đây là các tên lửa tầm xa, đạn đạo và xuyên lục địa, có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tiếp đó, khi phần lớn lãnh thổ Nhật Bản đã bị chia cắt, Hải quân PLA sẽ tấn công từ hướng Đông của Nhật, tiêu diệt các lực lượng hải quân và không quân Nhật Bản "còn sót lại sau đợt oanh kích". Lúc này Nhật đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới, còn Hải quân Mỹ thì bị các tên lửa đạn đạo chống hạm của Bắc Kinh kiềm chế ngoài vịnh (?)
Dù theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, Washington sẽ giúp Nhật Bản bất kể tình hình nguy hiểm thế nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ chỉ tấn công chớp nhoáng, gây tổn thất cho quân Mỹ rồi... đặt Nhật Bản lên bàn đàm phán với Mỹ.
Giai đoạn 1
Giai đoạn 1, Trung Quốc có thể tấn công tổng lực Nhật Bản trên mạng internet. Tấn công mạng internet là cách để tiêu diệt đối phương mà chịu ít tổn thất. Trung Quốc có thể nhắm vào công luận là nơi tập trung dân chủ và khiến người Nhật Bản hoang mang.
Tàu ngầm PLAN sẽ cắt các cáp quang dưới biển của Nhật Bản khiến Nhật Bản bị cô lập thông tin với thế giới. Điểm đáng chú ý là tấn công mạng có thể được duy trì trước hoặc sau xung đột vũ trang.
Các đợt tấn công điện tử ồ ạt cũng làm nhiễu loạn sự di chuyển của tàu chiến, máy bay và bệ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Giai đoạn 2
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc. (Ảnh: Chinese Internet)
Trung Quốc phong tỏa Nhật Bản không chỉ trên biển mà cả trong không gian, nhắm vào truyền thông và vệ tinh dẫn đường của Nhật Bản. Chỉ 1 tiếng đồng hồ sau các đợt oanh kích đầu, hàng loạt tên lửa DF-10 và DF-20 sẽ phóng đi từ bệ phóng mặt đất hoặc từ máy bay ném bom chiến lược H-6K.
Hệ thống phòng không của Mỹ và Nhật Bản tê liệt vì cuộc tập kích tên lửa Trung Quốc. Có thể nhiều tên lửa PLA bị bắn hạ nhưng vẫn có vô số trúng mục tiêu. Radar tên lửa AN/TPY-2 ở căn cứ Kyogamisaki và Shariki bị tấn công khiến Nhật không phát hiện đợt tấn công thứ hai. Các căn hải quân Nhật ở Maizuru, Sasebo, Yokosuka và nhiều thành phố khác cũng trúng tên lửa tầm xa của Trung Quốc. Các căn cứ này bị tình báo Trung Quốc theo dõi và cập nhật mục tiêu qua mạng internet và vệ tinh.
Tiếp đó là các cuộc oanh kích nhằm vào căn cứ Không quân Nhật. Tên lửa DF-10 mang đầu đạn nổ sẽ nhằm vào đường băng căn cứ không quân ở Naha, Miho, Nyutabaru, Gifu, Komatsu và Komaki.
Khi radar phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Kyogamisaki và Shariki bị tiêu diệt, Trung Quốc sẽ tiến hành đợt oanh kích thứ hai dữ dội hơn với tên lửa DF-16 và DF-21 nhằm các mục tiêu khắp Nhật Bản như bộ chỉ huy Phòng vệ, căn cứ chỉ huy và kiểm soát, cơ sở năng lượng… Nếu đợt oanh kích trước nhằm vào các máy bay Mỹ và Nhật trên sân bay thì đợt thứ hai nhằm vào hangar, đài chỉ huy, hầm nhiên liệu và đạn dược.
Các mục tiêu quân Mỹ cũng bị tấn công, như Bộ chỉ huy ở Yokota và Yokosuka hoặc căn cứ Kadena ở Okinawa.
Mục tiêu rất quan trọng là tàu sân bay USS Ronald Reagan. Trung Quốc có thể oanh kích tàu sân bay này khi còn neo đậu trong cảng bằng tên lửa “diệt tàu sân bay” DF-21 hoặc tên lửa đạn đạo chính xác cao.
Một lượng nhỏ bộ binh PLA được triển khai với 4 tàu đổ bộ Type 071 chuyển bộ binh xuống Miyakojima và Ishigakijima, 2 đảo thuộc quần đảo Ryukyu, nhằm vô hiệu hóa tên lửa chống hạm và trấn giữ eo biển Miyako. Hai tàu đổ bộ lớp Zubr sẽ đổ quân PLA lên đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong kịch bản này, quân Trung Quốc sẽ tránh Guam vì không muốn leo thang với Mỹ. Không tấn công Guam, Trung Quốc muốn có cơ hội đàm phán với Mỹ.
Giai đoạn 3
Đến giai đoạn này quân Nhật và Mỹ đã chịu những đòn tấn công chí mạng, hình thành thế bao vây Nhật Bản. Các tàu chiến PLAN làm hàng rào giữa Nhật Bản và thế giới bên ngoài.
Trung Quốc tiếp tục oanh tạc các cơ sở năng lượng, lương thực và vận tải nhằm giảm chất lượng sống của người Nhật, bẻ gãy ý chí phản kháng của Nhật trước khi hết tên lửa và quân tiếp viện Mỹ kéo đến.
Tiếp đó là vai trò đe dọa của át chủ bài, tên lửa DF-21D “sát thủ diệt hạm”. Trung Quốc sẽ cảnh báo Mỹ là tàu sân bay nào đến gần Nhật Bản sẽ bị tiêu diệt.
National Interest nhận định, căn cứ tương quan lực lượng hiện tại, kịch bản Bắc Kinh tấn công Tokyo của chuyên gia Mizokami khá sát thực tế. Giả định này không phải là gợi ý chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản hoặc bất kể nước nào khác. Đúng hơn, nó là sự nhắc nhở về khả năng xảy ra cuộc một cuộc chiến tác động lớn đến hòa bình chung của khu vực.
Hoài My
Theo National Interest