1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iraq trước ngày 30/6

Bạo lực đẫm máu và thách thức ngổn ngang

(Dân trí) - Vụ nổ khủng khiếp, làm hơn 200 người thương vong ngày 24/6 ở Baghdad, đủ mạnh để nhắc Thủ tướng Maliki rằng ngay trước giờ quân Mỹ rút khỏi các thị trấn và thành phố Iraq, nước này còn ngổn ngang những bạo lực và sẽ còn phải đối mặt với một loạt thách thức.

Bạo lực đẫm máu và thách thức ngổn ngang  - 1
Mốc quan trọng 

 

Thời điểm 30/6 được xem là mốc quan trọng trong hành trình của Iraq hướng tới giành chủ quyền hoàn toàn, thoát khỏi sự chiếm đóng của quân đội Mỹ. 

 

Theo một hiệp ước an ninh có hiệu lực từ tháng 1/2009, quân chiến đấu Mỹ phải rời khỏi các thị trấn và thành phố Iraq vào ngày 30/6/2009 và tái triển khai tại các căn cứ bên ngoài. Tuy nhiên, quân chiến đấu Mỹ sẽ không rút ra quá xa các thành phố, để có thể sẵn sàng hỗ trợ tác chiến cho các lực lượng an ninh Iraq khi cần thiết. Một số lượng quân Mỹ nhất định sẽ ở lại trong các thành phố để “cố vấn và huấn luyện” cho các đơn vị Iraq. 

 

Nhưng dư luận ngầm hiểu rằng việc thực thi thời hạn hạn chót cho việc rút quân Mỹ ngày 30/6 có thể mang tính hình thức hơn là thực chất. Chính phủ Iraq thừa nhận họ cần có sự hậu thuẫn liên tục của Mỹ, song việc Washington rút quân khỏi các thành phố Iraq là cần thiết về mặt chính trị đối với Thủ tướng Nuri al-Maliki, người đã thề từng bước loại bỏ sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài vốn không được dân chúng ủng hộ. 

 

Kể từ đầu năm 2009, quân đội Mỹ đã bàn giao 65 căn cứ cho Chính quyền Iraq và sẽ rời khỏi 58 căn cứ khác vào cuối tháng 6. Về lâu dài, việc rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu của Mỹ như dự kiến vào năm tới sẽ là thách thức lớn hơn. Laith Kubba, nhà phân tích đồng thời là cựu phát ngôn của chính phủ, nói: "Người Iraq có thể duy trì pháp trị. Nhưng sau 1 năm... một cuộc rút quân nghiêm túc hơn của người Mỹ có thể để lại khoảng trống quyền lực. Nguy cơ bùng nổ bạo lực là có thực". 

 

Thách thức hiển hiện

 

Vụ nổ hôm qua, ở nơi cư dân chủ yếu là người Hồi giáo theo dòng Shiitte, xảy ra chỉ 4 ngày sau khi một vụ nổ đẫm máu khác làm gần 200 người nữa thương vong ở Nam thành phố Kirkuk nhiều giàu mỏ của Iraq. 

 

Bạo lực đẫm máu tái xuất khiến nhiều người dân Iraq lo sợ các vụ đánh bom liều chết sẽ gia tăng khi quân đội tác chiến của Mỹ rút khỏi các thành phố Iraq. Dân chúng nghi ngờ về việc liệu lực lượng an ninh mới của Iraq, với người Hồi giáo dòng Shiitte chiếm số đông, có khả năng giữ gìn trật tự tại các thành phố hay không khi căng thẳng giữa người Hồi giáo Sunni và Shiitte vẫn còn. “Nếu Mỹ rút quân vào thời điểm này, sẽ có vấn đề nảy sinh vì lực lượng Iraq chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm”, Khalid Ghafori, một cảnh sát về hưu nói. “Chúng tôi không thích bị người nước ngoài nào chiếm đóng và hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng kế hoạch rút quân, nhưng thực sự chúng tôi đang chứng kiến nguy cơ bạo lực gia tăng hiển hiện”. 

  

Một số người lo sợ quân nổi dậy, trong đó có al-Qaeda, có thể lợi dụng việc Mỹ rút quân để trở lại các vị trí trước đây, dù theo các nguồn tin tình báo mới nhất của Mỹ, số phần tử khủng bố al-Qaida ở Iraq đã giảm mạnh và khả năng chúng tiến hành các cuộc tấn công đã bị suy yếu. Trong khi đó, Thiếu tướng David Perkins, người phát ngôn các lực lượng Mỹ ở Iraq lại thừa nhận “Mỹ lo ngại quân nổi dậy có thể lợi dụng tình hình để gây hỗn loạn ở Iraq".  Thủ tướng Iraq Maliki hồi đầu tháng cũng ra cảnh báo tương tự.

 

Ở nhiều nơi, chính phủ vẫn phải áp dụng thiết quân luật từ 10 giờ tối để cắt giảm bạo lực, nhưng các vụ đánh bom liều chết và ám sát vẫn thường xuyên xảy ra. Giá dầu hạ cũng đang đe dọa những nỗ lực xây dựng tiềm lực quân sự bảo vệ đất nước, làm tăng khả năng Iraq sẽ cần tới sự trợ giúp đáng kể của Mỹ, sau khi binh lính Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2012. Khi chính quyền Obama đang chuyển các nguồn lực sang Afghanistan, Mỹ không thể tài trợ cho khoản thiếu hụt ngân sách của Iraq. 

 

Qua những con số

 

750.000 - là số binh lính và cảnh sát Iraq được bố trí để bảo đảm an ninh cho cả nước sau ngày 30/6.

 

131.000 - số lính Mỹ còn đóng tại Iraq, đa số đã rút khỏi các thành phố, thị trấn và làng mạc.

 

100.867 - số dân thường Iraq thiệt mạng trong các vụ bạo lực kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc xâm lược Iraq năm 2003 cho đến ngày 1/6/2009 (theo tổ chức phi chính phủ của Anh Iraq Body Count).

 

10.956 - số người Iraq bị bắt giữ trong các nhà tù do Mỹ kiểm soát, tính đến ngày 16/6, với mỗi tháng 750 người được bàn giao cho chính quyền Iraq xử lý. 

 

4.316 - số lính Mỹ tử trận tại Iraq kể từ năm 2003.

 

1.844 - số tối thiểu cảnh sát và binh sĩ Iraq bị chết từ tháng 7/2007 đến ngày 1/6/2009.              

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp