1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Đức: Thế giới có thể học cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam

(Dân trí) - Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 13/4 đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Không có người chết: Thế giới có thể học hỏi từ cách ứng phó virus corona của Việt Nam”.

Báo Đức: Thế giới có thể học cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam - 1

Tranh cổ động chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

“Không có bất kỳ ca tử vong nào và số ca nhiễm virus corona chủng mới chỉ dừng lại ở vài trăm người, cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có thể là bài học cho các quốc gia trong việc chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh”, bài viết trên DPA nhận định.

Theo DPA, mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19, nhưng nhờ “sự kết hợp của hành động quyết liệt từ sớm, xét nghiệm rộng khắp, cách ly nghiêm ngặt và đoàn kết xã hội, Việt Nam cho đến nay đã tránh được hậu quả nghiêm trọng như tại châu Âu và Mỹ”.

DPA dẫn các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 75.000 người đang cách ly hoặc tự cách ly, tiến hành hơn 121.000 xét nghiệm tính đến thời điểm hiện tại, trong đó chỉ có 265 ca được xác nhận mắc Covid-19.

Cũng theo DPA, hiện Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào liên quan tới Covid-19 và tỷ lệ nhiễm tại Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, Singapore hoặc Đài Loan - những nơi được truyền thông quốc tế ca ngợi rộng rãi vì ứng phó hiệu quả với đại dịch.

Hãng thông tấn Đức cũng dẫn lời Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết ông tin rằng việc Việt Nam ứng phó sớm với dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng.

“Việt Nam ứng phó với dịch sớm và chủ động. Đánh giá rủi ro đầu tiên của Việt Nam được thực hiện từ đầu tháng 1, không lâu sau khi các ca nhiễm tại Trung Quốc bắt đầu được ghi nhận”, ông Park cho biết.

Ông Park nói rằng, Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, và ngay lập tức triển khai kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.

Theo DPA, mặc dù có số ca nhiễm thấp, nhưng Việt Nam vẫn tiến hành cách ly xã hội từ ngày 1/4. Truyền thông Đức nhận định đây là phản ứng nhanh và quyết đoán hơn rất nhiều so với các nước như Anh và Italia - những nơi chỉ áp lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm đã lên tới hàng nghìn người.

“Ở những nước khác, chính phủ áp lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang diễn ra. Việt Nam cũng làm điều tương tự, nhưng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quốc gia mà có thể tránh được”, DPA nhận định.

Đoàn kết xã hội

Báo Đức: Thế giới có thể học cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam - 2

Một phụ nữ lấy máu tại một trung tâm xét nghiệm nhanh ở Hà Nội. (Ảnh: EPA)

Hãng truyền thông Đức cho rằng “phần lớn thành công của Việt Nam” trong việc ứng phó với dịch Covid-19 nhờ vào “sự đoàn kết xã hội”.

DPA cho biết các trường học tại Việt Nam đã đóng cửa từ tháng 1 và việc cách ly tập trung đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục nghìn người từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly bắt buộc tại các khu cách ly. Từ ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế cũng bị dừng lại.

Cho tới giờ, DPA cho biết Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng các hạn chế. Phần lớn các chuyến bay nội địa, các chuyến tàu và xe buýt đều dừng hoạt động. Bất kỳ ai rời Hà Nội, nơi có nhiều ca nhiễm, đều phải cách ly khi tới hầu hết các tỉnh khác.

Theo DPA, trước đây Việt Nam là nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc xác nhận có ca nhiễm SARS hồi năm 2003. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước đầu tiên được WHO công nhận là đã kiểm soát được dịch SARS.

Hãng thông tấn Đức nhận định, hệ thống truy vết tiếp xúc nhiều lớp của Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện những người được xác nhận nhiễm virus corona hoặc những người có triệu chứng nghi nhiễm virus”, ông Park nói.

Ông Park cũng cho biết, bất kỳ ai từng tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh đều phải cách ly bắt buộc. Thậm chí, những người từng tiếp xúc với người tiếp xúc trực tiếp cũng phải tự cách ly. Ở lớp cuối cùng, các cộng đồng, khu phố hay tòa nhà có người nhiễm cũng bị cách ly.

Theo DPA, các biện pháp đối phó với khủng hoảng dịch bệnh của Việt Nam rất quyết liệt. Những người không đeo khẩu trang có thể sẽ bị phạt.

Truyền thông Đức cho rằng, mặc dù các biện pháp nghiêm ngặt cho đến nay đã giúp Việt Nam đạt được kết quả tương đối thành công, tuy nhiên vẫn cần phải chờ xem liệu Việt Nam hay các nước khác có biện pháp ứng phó tương tự Việt Nam có thể ngăn chặn virus lây lan về lâu dài hay không.

“Chúng tôi không thể đưa ra dự đoán, nhưng chúng tôi có thể nói rằng hướng đi của dịch bệnh sẽ được quyết định bởi hành động mà mọi quốc gia, bao gồm Việt Nam, thực hiện ngay bây giờ”, ông Park cho biết thêm.

Thành Đạt

Theo DPA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm