1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Đức ca ngợi tình hữu nghị 40 năm Việt - Đức

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức, kênh truyền hình danh tiếng DW của Đức đã có bài viết khẳng định, việc hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung và những điểm tương đồng trong lịch sử đang tạo ra một mối quan hệ hữu nghị, đầy tin cậy lẫn nhau.

Báo Đức ca ngợi tình hữu nghị 40 năm Việt - Đức
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Berlin (Ảnh: Getty)

Bài viết được đăng tải trên trang web của DW, một trong những kênh truyền hình lớn nhất tại Đức và châu Âu. Với tiêu đề “40 năm quan hệ Việt - Đức”, ngay mở đầu, tác giả khẳng định:

“Đức và Việt Nam dù cách nhau nửa vòng Trái đất, nhưng hai nước gần gũi nhau hơn rất nhiều về mặt ngoại giao do yếu tố lịch sử. Hai quốc gia đang cùng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”.

Dẫn lời bà Rabea Brauer, đại diện quỹ Konrad Adenauer tại Hà Nội - một quỹ chính trị mang tên thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức, hoạt động tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mục tiêu thúc đẩy tự do, hòa bình và công lý – bài báo khẳng định Việt Nam và Đức có nhiều điểm chung.

Cả hai nước đều từng bị chia cắt và ở trên tuyến đầu cuộc Chiến tranh lạnh, cùng trải qua quá trình chia cắt và tái thống nhất. Đây chính là một trong những cây cầu kết nối hai nước, bà Brauer nói. “Những trải nghiệm chung này tạo ra rất nhiều sự tin tưởng lẫn nhau”.

Hình ảnh của nước Đức và người Đức tại Việt Nam luôn rất tích cực. “Chúng ta được kết nối bởi những giá trị chung, như sự siêng năng, cần cù, đúng giờ và nhận thức về sự quy củ. Có rất nhiều điểm tương đồng”, bà Brauer cho biết thêm.

Mối quan hệ được hồi sinh

Đây thường là cảm giác những diễn giả người Việt mà bà Brauer mời nhận ra khi họ biết bà đến từ nước CHDC Đức (cũ) và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa.

Theo bài viết, một mặt người Việt Nam cảm thấy gần gũi với người Đức và vui mừng một cách chân thành trước sự chuyển biến của lịch sử, nhưng mặt khác, việc nước Đức tái thống nhất - do sự khác biệt về tư tưởng - cũng từng có một tác động tiêu cực nào đó lên mối quan hệ, bà Brauer nói.

Khi nước Đức tái thống nhất tháng 10/1990,Việt Nam đã mất đi không chỉ một trong những đồng minh quan trọng nhất, mà còn cả một đối tác kinh tế lớn. Tại thời điểm đó, khoảng 60.000 người lao động Việt Nam theo hợp đồng đang sống ở Đông Đức.

Sự kiện này khiến hầu hết toàn bộ người Việt mất việc làm. Họ không muốn quay trở về nước do tại thời điểm đó, triển vọng kinh tế tại quê nhà còn ảm đạm, kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc. Dù vậy, đa phần người Việt vẫn bị trục xuất bởi họ không có giấy phép cư trú.

Bất đồng liên quan đến lao động hợp đồng, và các khoản nợ cũ từng khiến quan hệ Việt - Đức gặp khó khăn trong vài năm, tiến sỹ Gerhard Will, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện các vấn đề an ninh và quốc tế (SWP) tại Berlin cho biết. “Chỉ trong quá trình đàm phán, hai nước mới nhận ra họ có thể đem lại cho nhau rất nhiều”, ông Will nói.

Trong những năm 1990, Đức không chỉ trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, mà còn giúp quốc gia Đông Nam Á mở cửa với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã chứng tỏ có thể đem lại nhiều lợi ích cho Đức, do đất nước đang phát triển với dân số 90 triệu người này về cơ bản là một thị trường chưa được khai phá.

Những năm sau đó đã giúp củng cố quan hệ hai nước. “Berlin trở thành đối tác thương mại chính của Hà Nội tại EU và là “quốc gia ưu tiên” trong hợp tác phát triển của Đức”, Will khẳng định.

Vị chuyên gia cũng tin tưởng rằng “nước Đức sẽ có lợi khi có một đối tác trong khu vực mà Berlin có thể thực sự cùng hợp tác về mặt kinh tế và chính trị.”

Tuyên bố Hà Nội

Năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký “Tuyên bố Hà Nội”, thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ nguyện vọng tiếp tục quan hệ đối tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực như chính sách phát triển, môi trường, giáo dục và khoa học.

Đại học Việt - Đức tại TP.HCM được thành lập năm 2008 được xem như một dự án kiểu mẫu về hợp tác song phương.

Kể từ năm 2008, hai nước cũng đã tổ chức “Đối thoại luật pháp.” Phía Đức tổ chức khoảng 60 cuộc họp và hội thảo mỗi năm để hỗ trợ Việt Nam về cải cách tư pháp. Theo các nhà phân tích nếu thành công, dự án sẽ càng làm sâu sắc thêm mối quan giữa hệ hai nước.

Thanh Tùng
Theo DW