1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo chí Pháp quan tâm tới tình hình Biển Đông

Dưới tiêu đề "Những căng thẳng mới lại manh nha quanh quần đảo Trường Sa", tờ Le Monde, Pháp ngày 13/5 nhận định về diễn biến Biển Đông những ngày qua.

Trước đó, tờ Thế giới (Le Monde) đưa tin về việc Lầu Năm góc Mỹ dự định điều các tầu chiến và máy bay chiến đấu tới gần các hòn đảo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa nhằm "bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực trọng yếu này của thương mại thế giới".
 
Bài báo Những căng thẳng mới lại manh nha quanh quần đảo Trường Sa trên tờ Le Monde
Bài báo "Những căng thẳng mới lại manh nha quanh quần đảo Trường Sa" trên tờ Le Monde
 
Sáng kiến ấy được đưa ra sau một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động xây đắp đảo nhân tạo chưa từng thấy của Trung Quốc tại Trường sa, thay đổi hiện trạng nhằm tiến tới kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Bài viết nhấn mạnh việc Trung Quốc "hết sức quan tâm" và Bộ Ngoại giao nước này đã lên tiếng "phản ứng gay gắt" trước dự định này của Mỹ.

Tờ báo bình luận: Sáng kiến ấy của Mỹ sẽ là một thách thức với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực có tranh chấp này.

Để cảnh báo về nguy cơ căng thẳng leo thang tại Biển Đông, bài viết đã nhắc lại phản ứng của Mỹ trước tuyên bố của Bắc Kinh về Vùng nhận diện phòng không (AIDZ) tại vùng Biển Hoa Đông cuối năm 2013 khi đã đưa các máy bay chiến lược B-52 tới khu vực này.

Cũng về tình hình Biển Đông, nhật báo Giải phóng (Libération) ngày 11/5 đã đăng bài viết của Arnaud Vaulerin, phóng viên thường trú của báo tại Nhật Bản nhấn mạnh: Từ nhiều tháng qua, Trung Quốc đã tăng tốc các công trình đồ sộ nhằm xây dưng cơ sở hạ tầng cảng biển và sân bay giữa vùng quần đảo Trường Sa (Spratleys) và Hoàng Sa (Paracels)...

Từ ảnh vệ tinh của nhóm phân tích Anh IHS Jane's và Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington DC, người ta thấy công trình xây đường băng dài 3.100 mét đã được tiến hành với nhịp độ cực nhanh trong khoảng từ tháng 8/2014 đến giữa tháng 4/2015. Trung Quốc cũng đã nạo vét xây một cảng mới và đã dựng lên trên đảo 60 tòa nhà. Thậm chí họ còn đặt hẳn một nhà máy xi măng tại chỗ để phục vụ công trường lớn.

Theo tác giả bài viết, trên thực tế, từ những năm 1990, Trung Quốc đã biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự nhỏ, có tram radar, bãi đáp trực thăng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với hiện trạng Đá Chữ Thập bây giờ. Các chuyên gia phân tích của AMTI nhận định: "Trong tương lai không xa, Đá Chữ Thập sẽ là điểm hậu cần quan trọng cho hoạt động của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông".

Bài viết nhận xét: Trung Quốc không tiếc tiền phục vụ ý đồ bành trướng trên biển. Hàng loạt các công trình san lấp bồi đắp đảo của Trung Quốc đã được ghi nhận ở quần đảo Trường Sa. Và gần đó, tại quần đảo Hoàng sa, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Quang Hòa (Duncan), bất chấp sự phản đối của Việt Nam.

Để giúp độc giả hiểu thêm về động cơ của Trung Quốc trong những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, tờ "Libération" đã phỏng vấn bà Valérie Niquet, Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp và là chuyên gia về châu Á. Trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc gần đây tăng cường xây dựng các đảo họ chiếm giữ trên Biển Đông, bà Valérie Niquet khẳng định: Mục đích của Bắc Kinh là để mở rộng diện tích họ chiếm giữ, cho dù theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đường băng hay hải cảng không là cơ sở cho tính chính đáng của một quốc gia trên một lãnh thổ. Các cơ sở đó sẽ giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện lực lượng bảo vệ bờ biển trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tầu đánh cá của họ có thể mở rộng ngư trường xa hơn xuống phía nam.

Theo bà Valérie Niquet, việc bồi đắp đảo nhân tạo còn có động cơ chính trị. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nổi lên từ cuối những năm 2000, và trở nên mạnh mẽ hơn từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Bảo vệ các lợi ích trên biển là một ưu tiên của Trung Quốc. Trung Quốc muốn nắm toàn bộ Biển Đông. Họ có phương tiện kinh tế và con người để nhân rộng thêm các điểm cắm chân ở Biển Đông. Các công trình trên là một mưu đồ áp đặt thay đổi hiện trạng đối với các nước Đông Nam Á./.
Theo Thùy Vân/VOV-Paris