Báo Ấn Độ: Trung Quốc đang âm thầm đóng 4 tàu sân bay
(Dân trí) - Báo Times of India (TOI) đưa tin Trung Quốc đang đóng tới 4 tàu sân bay, bởi trước đó một quan chức hải quân nước này tuyên bố Hải quân Bắc Kinh cần tới 4 tàu sân bay để đảm bảo năng lực tác chiến trên biển.
Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. (Ảnh: WCT)
Theo báo TOI, hai trong số bốn tàu sân bay mà Trung Quốc đang chế tạo có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng giãn nước 90.000 tấn.
Báo này cho hay Bí thư Đảng Cộng sản tỉnh Liêu Ninh Wang Min cuối năm ngoái từng phát biểu trước Hội đồng nhân dân tỉnh rằng Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) cần ít nhất 4 tàu sân bay.
Nhận định khả năng PLAN mở rộng hoạt động của các tàu sân bay đến Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã lên kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự trên biển. Ấn Độ đã chi 4 tỷ USD để nâng cấp pháo hạng nặng, máy bay vận tải tầm trung và các trực thăng cỡ nhỏ.
Ấn Độ mới đây đã phê duyệt kế hoạch đóng mới tàu sân bay hạt nhân INS Vishal vận hành bằng năng lượng hạt nhân và đang đàm phán với Mỹ để trang bị hệ thống phóng điện từ cho tàu sân bay hiện đại bậc nhất này.
Tuy nhiên, Want China Times (WCT) nhận định rằng các quan chức quân đội Trung Quốc từng tuyên bố nước này cần 4 tàu sân bay để hoạt động tác chiến hiệu quả chứ chưa hẳn Bắc Kinh sẽ đóng mới 4 tàu sân bay cùng lúc như báo TOI của Ấn Độ đưa tin.
WCT cho rằng hiện chỉ có các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đóng mới tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên có khả năng chạy bằng năng lượng hạt nhân, dựa trên khuôn mẫu của tàu sân bay Varyag, thân tàu được tân trang lại thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh.
Thân tàu Liêu Ninh do Liên Xô đóng với tên ban đầu là Varyag. Trung Quốc đã mua lại tàu này từ Ukraine vào năm 1998, khi đó chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác.
Năm 2002, con tàu được vận chuyển về cảng Đại Liên và hoàn thiện tại đó. Mục đích mua tàu không được công khai cho đến tận tháng 6 năm 2011 khi chiếc tàu được đóng xong hoàn toàn.
Do vốn là tàu Varyag, nên Liêu Ninh có thể xem là thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nó dài khoảng 304,5 mét, rộng 37 mét, lượng giãn nước là 58.500 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 37 hải lý/giờ.
Ngoài ra, Bắc Kinh hiện cũng đang nghiên cứu để sản xuất công nghệ phóng điện từ riêng giống như hệ thống mà Mỹ trang bị trên các tàu sân bay hiện đại. Nếu hệ thống phóng có thể được nghiên cứu hoàn thiện, các tàu do Trung Quốc sản xuất sẽ có thể mang theo tối đa 65 máy bay.
Thoa Phạm
Theo WCT