1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bản lề cũ và cánh cửa mới

Trong 16 năm đầu thế kỷ 21, năm 2016 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt bất ngờ. Nước Anh đã rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu. Hàng triệu người di cư khiến châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới đảo lộn. Trong khi đó, kết quả bất ngờ của các cuộc bầu cử ở Mỹ, châu Âu, châu Á... đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Nhiều lý giải chỉ rõ, cách hành xử “truyền thống” đang dần được thay đổi. Tâm lý “đám đông” đang thắng thế khi nhiều người muốn thu mình trong vỏ lợi ích cá nhân. Điều này giải thích tại sao chủ nghĩa bảo hộ và việc bảo vệ những lợi ích quốc gia đang quay trở lại. Những thay đổi lớn đang bắt đầu từ một “bản lề cũ”.

Người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sustainability.
Người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sustainability.

Xây “tổ tò vò” trong cơn biến động

Xuyên suốt những sự kiện diễn ra trong năm 2016 có thể thấy rõ một điểm chung, trong thế giới đầy bất ổn, con người ta có xu thế chui vào một vỏ bọc an toàn. Họ không muốn mất đi miếng bánh, không muốn san sẻ tổ ấm của mình với bất kỳ ai.

Hàng loạt nước châu Âu đã từ chối người di cư. Hàng rào bê tông, dây thép gai, quân đội, cảnh sát đã “chặn” lại ước nguyện cuối cùng của hàng triệu người di cư vừa thoát ra khỏi các cuộc chiến với khủng bố, các cuộc chiến giữa các phe phái ở Trung Đông, Bắc Phi... Họ lo sợ những người di cư sẽ cướp cơ hội việc làm, sẽ làm rối tung trật tự xã hội, sẽ mang những tệ nạn tới cuộc sống “văn minh” của họ.

Đối lập, ở phía bên kia những bức tường, hàng rào thép gai, ở sau lưng những cảnh sát kia, đã có những chính trị gia luôn kêu gọi ủng hộ quan điểm của rất nhiều người dân châu Âu, Mỹ muốn “cố thủ” trong những “tổ tò vò” tránh mọi điều bất trắc. Tâm lý sợ người di cư, sợ sự thay đổi, sợ đối mặt khó khăn... khiến họ ngày càng trở nên phụ thuộc và dễ dàng hành động theo tâm lý “đám đông”.

Rất nhiều người châu Âu hay thậm chí cả người Mỹ đều hiểu rằng sự phồn thịnh của châu Âu và nước Mỹ có công lớn của những người nhập cư. “Sự thật” trên giờ không mấy ai muốn thừa nhận. Điều này dễ dàng giải thích tại sao những ứng cử viên cánh hữu, cực hữu hay những ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy giờ lại nhận được nhiều sự ủng hộ đến như vậy.

Truyền thống và phi truyền thống

Việc ngày 8-11, tỷ phú 70 tuổi Donald Trump, một người có tư tưởng dân túy, cho dù Tổng thống Mỹ không thể là một nhân vật theo trường phái dân túy, đã đánh bại cựu Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất phu nhân, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cùng với việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là vấn đề Brexit, đã tạo “cơn địa chấn” làm chấn động cả hai bờ Đại Tây Dương, báo hiệu có nhiều sự thay đổi lớn ở châu Âu và đường hướng của nước Mỹ.

Chuyên gia Richard Wike của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận định, trong suốt chiến dịch vận động Brexit hay bầu cử Mỹ, cũng là khoảng thời gian diễn ra các cuộc tranh luận về vấn đề toàn cầu hóa; về các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới; làn sóng hàng triệu người đến châu Âu; là các cuộc tấn công khủng bố... và nhiều nhà lãnh đạo theo tư tưởng dân túy.

Thời điểm này Thủ tướng Italy Matteo Renzi từ chức, mở đường cho các cuộc bầu cử sắp tới và tạo ra hy vọng cho phong trào dân túy 5 Sao - vốn mong muốn rời khỏi Eurozone; phản đối nhập cư. Hà Lan tới đây sẽ tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 3-2017 và chính đảng chống người Hồi giáo của ông Geert Wilders có thể giành chiến thắng lần đầu tiên, bất chấp tình hình chính trị chia rẽ ở quốc gia này có thể cản trở ông thành lập một chính phủ liên minh.

Nước Pháp cũng sẽ bỏ phiếu lựa chọn một tổng thống mới vào tháng 5 tới. Chủ tịch đảng Mặt trận dân tộc Marine Le Pen được cho là sẽ tiến vào vòng hai để “so găng” với nhân vật bảo thủ Francois Fillon. Nước Đức cũng đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Mùa thu năm 2017, bà Merkel cũng phải đối phó với sự trỗi dậy của đảng AfD chống người nhập cư và chống người Hồi giáo.

Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận dự đoán bà Merkel sẽ thắng cử và bà Le Pen sẽ thất bại, nhưng điều đó vẫn có thể thay đổi. Bởi ai mà ngờ được nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và ông Trump thắng lợi trước nhân vật đầy kinh nghiệm Hillary Clinton.

Yascha Mounk, giảng viên về lý thuyết chính trị tại Đại học Harvard, cho rằng sẽ có “bất ổn lớn” xảy ra trong năm 2017. Nhà nghiên cứu cấp cao Giovanni Grevi tại Trung tâm Chính sách châu Âu ở Brussels cho rằng, chính chiến thắng của ông Trump đã truyền “sự tự tin nhất định” cho các phong trào mang tư tưởng dân túy châu Âu.

Giải thích như vậy không phải không có lý. Bởi các nhà lãnh đạo phong trào dân túy đang lên ở châu Âu đã đánh đúng tâm lý của hầu hết người dân nước họ. Đó là những lời hứa không tiếp nhận người di cư bằng những hàng rào bê tông, hàng rào dây thép gai. Đó là lời hứa mang lại việc làm. Đó là việc bảo vệ thị trường trong nước, chống lại các hiệp định thương mại thế hệ mới... Tóm lại, đó là những lời hứa sẽ bảo vệ tới cùng lợi ích của người dân nước họ trước làn sóng toàn cầu hóa.

Mô hình mô phỏng chuỗi dữ liệu Big Data. Ảnh: CSC.
Mô hình mô phỏng chuỗi dữ liệu Big Data. Ảnh: CSC.

Sự bất thường ở đây là nhiều người dân không còn những suy nghĩ truyền thống, và xu thế co lại trong một vỏ bọc an toàn đã được những nhà lãnh đạo này nắm bắt một cách chuẩn xác. Cương lĩnh tranh cử của họ đã “điểm đúng huyệt” của hàng triệu người dân ở các nước này. “Tử huyệt” này có liên quan tới một chương trình mới được công khai - Big Data.

“Bắt thóp” đám đông

Nhà nghiên cứu Grevi cho rằng cách mà ông Trump hay lãnh đạo một số quốc gia châu Âu thành công thời gian qua chính là việc họ đã “bắt thóp” được tâm lý người dân, thông qua cái gọi là “cách mạng số” - Big Data - thuật ngữ chỉ tất cả những gì ta làm, trên mạng đều để lại dấu vết số. Nói một cách đơn giản, khi ai đó mua bán bằng thẻ, tìm kiếm trên Google, từng like trên mạng xã hội hay sử dụng điện thoại có vào mạng Internet... tất cả đều được lưu lại. Những dữ liệu cá nhân này giúp định hình khuynh hướng cụ thể của một ai đó.

Trong một thời gian dài không ai hình dung có thể sử dụng các dữ liệu ấy làm gì. Cũng không ai biết Big Data sẽ là gì đối với nhân loại. Nhưng từ ngày 9-11-2016, một ngày sau khi nước Mỹ công bố người thắng cử, nguồn tin từ báo chí cho biết, đằng sau chiến dịch tranh cử của đại diện cho đảng Cộng hòa trên mạng, và đằng sau chiến dịch ủng hộ Brexit có một công ty chuyên nghiên cứu Big Data - Công ty Cambridge Analytica (CA).

Công ty này đã “đánh cắp” ý tưởng công trình nghiên cứu của nhà bác học Kosinski, người Ba Lan, khi ông chứng minh rằng chỉ cần phân tích 68 like trên Facebook là đủ xác định màu da của người dùng (xác suất 95%), khả năng đồng tính (88%) và thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa Mỹ (85%)...

Đầu năm 2014, Phó Giáo sư có tên Alexander Kogan tìm đến Kosinski. Ông ta muốn sử dụng phương pháp trên để phân tích 10 triệu người dùng Mỹ trên Facebook. Để làm gì thì khách không nói, vì lý do bảo mật. Sau này Hồ sơ Panama và WikiLeaks tiết lộ, Cambridge Analytica (CA), đã tổ chức các chiến dịch trên Internet để ủng hộ Brexit và chiến dịch tranh cử ở Mỹ.

Kosinski không hề biết gì về điều đó nhưng cũng cảm thấy gì đó không ổn. Đến tháng 11/2015, điều lo ngại của nhà bác học này đã thành hiện thực: Phương pháp của ông đã bị lợi dụng vào cuộc chơi chính trị lớn. Hàng chục triệu cử tri đã bị “bắt thóp” ngay từ đầu.

Biệt lập hay tùy thuộc

Ngay sau khi giành chiến thắng ngoạn mục, nhiều người đang đặt câu hỏi, với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng bộ máy chính quyền của Mỹ tới đây sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, với chương trình nghị sự mang tính bảo hộ và chống lại thương mại tự do và chống nhập cư ở mọi cấp độ... thì liệu rằng nước Mỹ có hành động một cách biệt lập? Tức là từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp an ninh, kinh tế... với bên ngoài biên giới Mỹ. Lựa chọn này gần như không khả thi với nước Mỹ thời điểm hiện tại, cho dù chủ nghĩa biệt lập đang dần phổ biến trong tư duy của người dân Mỹ hiện nay.

Nhiều người Mỹ đang bị thuyết phục rằng, Mỹ được bảo vệ bởi hai đại dương và sở hữu một năng lực quốc phòng vững chắc, bao gồm cả sức mạnh hạt nhân. Vậy nên không có lí gì Mỹ phải tốn sức chuyển những nguồn lực quý giá đó ra khỏi đất nước, không cần gìn giữ hòa bình ở những khu vực xa xôi.

Lính Mỹ tại Afghanistan năm 2011. Ảnh: National Review.
Lính Mỹ tại Afghanistan năm 2011. Ảnh: National Review.

Cũng như vậy với nước Anh, câu hỏi đặt ra với nước Anh đầy mâu thuẫn khi họ chọn rời khỏi EU. Họ muốn thể hiện sự “độc lập” của mình với châu Âu, tách biệt và không chịu trách nhiệm với những vấn đề chung của châu Âu nữa, trong khi lại vẫn muốn nhận về mình những ưu đãi kinh tế hay đi lại tự do trong khu vực...

Có một thực tế, các quốc gia này luôn muốn có thật nhiều lợi ích và không muốn chia sẻ trách nhiệm. Điều này không thể tồn tại. Nước Mỹ có thể rút khỏi một vài hiệp ước an ninh, hiệp định thương mại, tập trung sản xuất hàng hóa trong nước hay lập các đơn vị hùng mạnh bao quanh nước mình, nhưng dù nước Mỹ có mạnh đến đâu vẫn cần có sự hợp tác với các nước khác. Ví như cuộc chiến chống khủng bố.

Nước Mỹ không thể tách rời vai trò của Nga, của châu Âu, NATO trong cuộc chiến với khủng bố trên quy mô toàn cầu. Nước Mỹ không thể không hợp tác với các nước để bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn thế giới, giúp cho hàng hóa lưu thông một cách thông suốt... Rõ ràng, hành xử biệt lập hay tùy thuộc tự nước Mỹ biết rõ.

Còn với trường hợp của nước Anh, EU cũng đã gửi lời cảnh báo: Nước Anh phải “trả giá” cho quyết định của mình. Ngày 19/12, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016, lãnh đạo 27 nước EU đã cam kết hành động để người Anh không dễ dàng có được một thỏa thuận rút lui "êm ái" mà không phải trả giá. Đây chính là thông điệp chính trị rõ ràng và mạnh mẽ của EU gửi tới nước Anh và những nước tư tưởng li khai "mái nhà chung" EU.

Tựu trung lại, việc sử dụng chiêu bài dân túy, dân tộc để đạt được mục đích chính trị là cách làm không mới. Nhưng khi nhiều nước cùng áp dụng thành công cách làm này, rõ ràng, thế giới đang có những thay đổi.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới