1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài toán Trung Đông đầy khó khăn của ông Trump

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong một Trung Đông luôn "nóng" và căng thẳng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phải đối mặt nhiều khác biệt mới với những đồng minh cũ.

Bài toán Trung Đông đầy khó khăn của ông Trump - 1

Tổng thống Donald Trump thăm Ả Rập Xê Út hồi năm 2017 (Ảnh: NYT).

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các quốc gia giàu có ở Vịnh Péc Xích có mối quan hệ khá hòa thuận với chính quyền của ông. Khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng 1 này, giới lãnh đạo của các quốc gia vùng Vịnh nhìn chung đều chào đón ông trở lại.

Nhưng lần này, các quốc gia vùng Vịnh và ông Trump dường như đang bất đồng quan điểm về một số vấn đề cốt lõi, như Israel và Iran. Những khác biệt về chính sách năng lượng cũng có thể là nguồn cơn gây xung đột.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù không có nguy cơ căng thẳng hoặc rạn nứt lớn giữa các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh nhưng vấn đề là các quốc gia này đang thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với Israel và mềm mỏng hơn đối với Iran, những lập trường khác biệt rất nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử.

Ông Trump sẽ phải đối mặt với một khu vực đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Israel phát động cuộc chiến tranh ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công do Hamas tiến hành vào ngày 7/10/2023. Trong đó chính quyền Israel cho biết khoảng 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin. Cuộc chiến ở Gaza, vốn đã khiến ít nhất 45.000 người đã thiệt mạng, theo các quan chức y tế tại vùng đất này, đã lan rộng khắp khu vực.

Tại Li Băng, nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã phải chịu tổn thất nặng nề sau hơn 1 năm giao tranh với Israel. Và tại Syria, quân nổi dậy đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hiện tại, trong khi ông Trump đang bổ sung những gương mặt theo đường lối cứng rắn với Iran và những người bảo vệ kiên định cho Israel vào nội các của mình, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã công khai kêu gọi một lập trường mềm mỏng hơn đối với Iran và đường lối cứng rắn hơn đối với Israel. Các nước cũng đã kêu gọi Washington tiếp tục tập trung vào khu vực này.

Trong khi đó, chính quyền ông Trump tỏ ra muốn thắt chặt cái bắt tay với các cường quốc vùng Vịnh là Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Hồi tháng 12/2024, ông Steve Witkoff, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên tại Trung Đông, đã có mặt tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, để tham dự một hội nghị về Bitcoin cùng với Eric Trump, con trai của Tổng thống đắc cử.

Ông cũng đã đến Riyadh gặp Thái tử Mohammed bin Salman, trang Axios đưa tin.

Vai trò ở Trung Đông

Một trong những nhân vật rõ ràng nhất ở vùng Vịnh mà ông Trump tăng kết nối để tránh chương trình nghị sự theo chủ nghĩa cô lập là của Hoàng tử Turki al-Faisal, cựu Giám đốc cơ quan tình báo của Ả Rập Xê Út.

Trong bức thư ngỏ gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ được công bố vào tháng 11/2024 trên trang The National có trụ sở tại Abu Dhabi, Hoàng tử Turki đã đề cập đến vụ ám sát ông Trump và bày tỏ niềm tin rằng "Chúa đã cứu mạng" một phần để ông có thể tiếp tục công việc còn dang dở tại Trung Đông trong nhiệm kỳ đầu tiên.

"Sứ mệnh đó là mang lại hòa bình", ông viết, trong đó chữ hòa bình được nhấn mạnh bằng cách viết in hoa. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính quyền của ông Trump đã làm trung gian cho Hiệp định Abraham, trong đó một số quốc gia Ả Rập thiết lập quan hệ với Israel.

Một thông điệp tương tự như của Hoàng tử Turki đã được Anwar Gargash, cố vấn của Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed, đưa ra vài ngày sau đó tại một hội nghị ở Abu Dhabi.

Ông Gargash cho biết, giữa lúc Vùng Vịnh bị bao quanh bởi một khu vực ngày càng hỗn loạn, sự lãnh đạo và quan hệ đối tác của Mỹ vẫn là điều cần thiết. "Chúng ta cần sự lãnh đạo mạnh mẽ để cân bằng giữa các mối quan tâm nhân đạo với các lợi ích chiến lược", ông nói.

Vấn đề Israel

Về vấn đề Israel, sự thay đổi đáng chú ý nhất trong thông điệp ở Vùng Vịnh đến từ nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê Út - Thái tử Mohammed bin Salman. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Riyadh gần đây, Thái tử Mohammed lần đầu tiên gọi chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là "diệt chủng".

Ngay trước khi chiến tranh ở Gaza nổ ra vào tháng 10/2023, Ả Rập Xê Út dường như đang tiến gần đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nhưng thất bại vì không đạt được điều kiện tiên quyết của mình đưa ra: đó là thành lập một nhà nước Palestine.

Một thỏa thuận như vậy sẽ định hình lại Trung Đông. Theo kế hoạch, Ả Rập Xê Út sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và sự hỗ trợ của Washington cho chương trình hạt nhân dân sự tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của Thái tử Mohammed cho thấy rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng còn rất xa vời.

Ngoài tuyên bố đề cập đến "nạn diệt chủng" ở Gaza, Thái tử Mohammed cũng nói rõ rằng Ả Rập Xê Út sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel cho đến khi một nhà nước Palestine được thành lập. Đó vẫn là một viễn cảnh xa vời khi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn mạnh mẽ phản đối một ý tưởng như vậy.

"Tôi nghĩ rằng Thái tử Mohammed muốn làm rõ lập trường của mình và không còn nghi ngờ gì nữa", Ali Shihabi, một doanh nhân người Ả Rập Xê Út thân cận với Hoàng gia cho biết.

Trong khi đó, UAE - một bên ký kết Hiệp định Abraham - cũng đã ra tín hiệu cứng rắn đối với Israel. Hồi tuần trước, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed, đã nói với người đồng cấp Israel rằng nước này sẽ "không tiếc công sức hỗ trợ người Palestine".

Bất chấp lập trường công khai của Ả Rập Xê Út về tình trạng của một thỏa thuận bình thường hóa, các nhà ngoại giao Mỹ đã ám chỉ rằng Vương quốc này có thể sẽ bí mật thúc đẩy một thỏa thuận như vậy dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump - tùy thuộc vào lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza và cam kết cụ thể của Israel đối với con đường hướng tới nhà nước Palestine.

"Tất cả những điều đó đều sẵn sàng nếu có cơ hội ngừng bắn ở Gaza cũng như đạt được một lộ trình tiến lên phía trước cho người Palestine. Vì vậy, còn cơ hội rất lớn ở đó", Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken cho biết. 

Hòa hoãn với Iran?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cả Ả Rập Xê Út và UAE đều ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Iran, coi Tehran là đối thủ nguy hiểm trong khu vực.

Họ đã reo hò khi ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và ca ngợi quyết định cho phép ám sát Qassim Suleimani, vị tướng chỉ đạo lực lượng dân quân và lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông, vào tháng 1/2020.

Nhưng động lực của khu vực đã thay đổi kể từ sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ả Rập Xê Út và Iran đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 3/2023 giúp giảm căng thẳng ở Vịnh Persian và mở ra cánh cửa cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao.

Bahrain, sau nhiều năm căng thẳng với Iran, đã có động thái tiếp cận chính phủ Iran, với việc Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa tuyên bố "không có lý do gì để trì hoãn" việc nối lại quan hệ ngoại giao.

Đảo quốc nhỏ bé này cũng lên án việc Israel nhắm mục tiêu vào Iran vào tháng 10/2024, khi một cuộc chiến tranh ngầm giữa hai nước nổ ra công khai với các cuộc tấn công trả đũa.

Đối với Ả Rập Xê Út, mục tiêu rất rõ ràng: tạo ra môi trường khu vực ổn định có lợi cho ước mơ đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Xê Út vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của Thái tử Mohammed. Đối với Iran, nhiều thập kỷ bị cô lập về kinh tế và chính trị, cùng với tình hình bất ổn trong nước gia tăng, đã khiến việc hòa giải với Riyadh là điều cần thiết.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy Iran có thể sẵn sàng đàm phán với ông Trump. Nhiều cựu quan chức, chuyên gia và nhiều bài xã luận trên báo ở Iran đã công khai kêu gọi chính phủ hợp tác với Tổng thống đắc cử Trump. Cho đến nay, ông Trump cũng có vẻ cởi mở với vấn đề Iran, ít nhất là trong việc vạch ra một lộ trình khác so với chiến dịch "gây sức ép tối đa" trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Hồi tháng 11/2024, tỷ phú Elon Musk, cố vấn thân cận của ông Trump, cũng đã gặp đại sứ Iran tại Liên hợp quốc, các quan chức Iran cho biết. "Chúng ta phải đạt được thỏa thuận vì hậu quả là không thể", ông Trump nói hồi tháng 9/2024, ám chỉ đến mối đe dọa từ việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Những xung đột có thể xảy ra về dầu mỏ

Mặc dù các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE - có vẻ cởi mở với cách tiếp cận ngoại giao của ông Trump nhưng họ có thể nhìn thấy rõ những bất đồng quan điểm với các chính sách kinh tế của ông.

Một cam kết trọng tâm trong chiến dịch của ông là tăng cường sản xuất dầu khí của Mỹ, một động thái có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vùng Vịnh. Nếu Washington tăng sản lượng dầu, như ông Trump đã cam kết, các nhà sản xuất ở vùng Vịnh sẽ không còn nhiều phạm vi để tăng sản lượng mà không giảm giá.

"Việc tăng cường thăm dò và sản xuất dầu của Mỹ sẽ khiến giá dầu giảm mạnh  và gây nguy hiểm cho các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ của vùng Vịnh", Bader al-Saif, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, cho biết trong một báo cáo gần đây.

Ông Trump cũng dự kiến sẽ đẩy nhanh các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đảo ngược lệnh đóng băng giấy phép của Tổng thống Biden và tăng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là sang châu Âu. Qatar, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới cùng với Mỹ, có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng cho đến nay họ đã hạ thấp mối lo ngại này.

Theo New York Times