Bài toán khó với Ukraine khi ồ ạt nhận vũ khí hạng nặng của phương Tây
(Dân trí) - Vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ cho Ukraine được cho có thể tác động tới cục diện chiến sự với Nga, nhưng Kiev cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi vận hành chúng trong tác chiến.
Theo AFP, chính phủ các nước phương Tây đã, đang và sẽ chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine khi chiến dịch quân sự của Nga ở nước láng giềng đã bước sang giai đoạn 2. Dù những khí tài này có thể mang lại lợi thế nhất định cho Ukraine, nhưng các chuyên gia cảnh báo, một cuộc xung đột kéo dài có thể khiến Kiev gặp phải những thách thức phức tạp về hậu cần, bao gồm cả việc bảo trì và đạn dược.
Các chuyên gia dự tính, trong thời gian tới, các vũ khí như xe tăng chiến đấu, thiết giáp, pháo có thể sẽ làm gia tăng năng lực của Ukraine để đối phó với Nga. Mặc dù vậy, chuyên gia Nick Brown của tổ chức Janes Defence Insight nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chỉ cấp vũ khí cho Ukraine mà còn phải đảm bảo Kiev có thể vận hành nó lâu dài trên chiến trường.
Thứ nhất, các nước đã cố gắng gửi cho Ukraine các hệ thống vũ khí không quá phức tạp tới mức cần tới vài tháng để huấn luyện sử dụng. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có những hệ thống được xem là khá khó sử dụng trong thời gian ngắn, ví dụ xe tăng phòng không Gepard của Đức. Các hệ thống vũ khí cần một thời gian đáng kể để làm quen, có thể khiến cho Ukraine bỏ lỡ thời điểm để sử dụng chúng nhằm đối phó lại việc Nga đang tăng tốc chiến dịch trên nhiều mặt trận ở miền Đông.
Thứ 2, một khi các hệ thống vũ khí đã được chuyển tới Ukraine, chúng vẫn cần một chuỗi hậu cần để bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng thay thế trong trường hợp khí tài gặp sự cố hoặc bị hư hỏng khi chiến đấu.
Chuyên gia Leo Peria-Peigne của tổ chức IFRI (Pháp) nhận định rằng, đây là một bài toán rất phức tạp trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra căng thẳng và Ukraine phải tận dụng thời gian để đối phó với Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho biết, Ukraine sở hữu cơ sở hạ tầng và những kiến thức về công nghiệp nặng và phương tiện quân sự. Dù Nga đang nhằm mục tiêu vào các cơ sở của quân đội của Ukraine như nhà máy xe tăng, căn cứ sửa chữa khí tài, nhưng việc sở hữu năng lực về công nghiệp quân sự cũng có thể mở ra hy vọng về việc nó có thể giúp Ukraine vượt qua thách thức về hậu cần kể trên.
Cuối cùng, một thách thức khác mà Ukraine phải đối mặt là, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài, nguồn cung đạn dược cho các vũ khí hạng nặng có thể trở thành một vấn đề lớn.
Chuyên gia Jean-Pierre Maulny của tổ chức IRIS (Pháp) cho biết: "Mọi người đều muốn chiến sự nhanh kết thúc, nhưng nếu nó kéo dài, nguy cơ thiếu đạn dược cho vũ khí là không thể bỏ qua". Ông Maulny viện dẫn về trường hợp pháo tự hành Caesar do Pháp viện trợ Ukraine. Tuy đây là vũ khí dễ sử dụng và uy lực nhưng nếu thiếu đạn pháo, nó sẽ không thể phát huy tác dụng và hỗ trợ Ukraine.
Trong khi đó, kế hoạch viện trợ xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức cho Ukraine vẫn đang gặp phải trở ngại vì sự phụ thuộc của Berlin vào đạn do Thụy Sĩ sản xuất. Thụy Sĩ đã chặn cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua Đức, dựa trên nguyên tắc trung lập của Bern.