1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bài học chống dịch Covid-19 của Israel: 3 mũi mới là tiêm đủ

Ninh Vân

(Dân trí) - Hiện nay, một người tại Israel không được coi là đã tiêm phòng đầy đủ nếu họ chưa tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi thứ 3.

Bài học chống dịch Covid-19 của Israel: 3 mũi mới là tiêm đủ - 1

Thủ tướng Israel Naftali Bennett tiêm mũi tăng cường hồi tháng 9 (Ảnh: AFP).

Hơn một năm kể từ khi đại dịch bùng nổ, Israel đã giúp các quốc gia khác có cái nhìn tổng thể về tương lai của dịch bệnh Covid-19.

Israel đã dẫn đầu trong việc phân bổ vaccine cho người lớn và trẻ em, là nước tiên phong sử dụng hộ chiếu vaccine. Ngoài ra, các mũi tiêm tăng cường đang được đẩy mạnh triển khai ở quốc gia này trong các tháng gần đây.

Vào cuối tháng 7, Israel đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm tăng cường cho người dân trên 60 tuổi, và kể từ tháng 8, các mũi tăng cường đã được triển khai cho tất cả người dân trên 16 tuổi sau 5 tháng được tiêm mũi thứ 2.

Hiệu quả rõ rệt của mũi tăng cường

Hơn 3 tháng thực hiện, quan chức Y tế ở Israel xác nhận các dữ liệu đã rõ ràng: Các mũi tiêm tăng cường giúp làm giảm làn sóng bùng dịch lần thứ 4, vốn càn quét nước này ở tháng 8 và tháng 9. Và hiện nay, chỉ những người hoàn thành mũi 3 mới được xem là tiêm chủng đầy đủ tại Israel.

Các bệnh viện tại Israel đã chứng kiến hơn 8.000 ca nhiễm mới trong ngày và hơn 500 phải nhập viện tại thời điểm dịch bệnh đang ở mức nghiêm trọng nhất. Hiện nay, trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới một ngày dao động khoảng 400-500 ca, và hơn 129 người nhập viện.

Các dữ liệu đã chứng minh sự khác biệt rõ ràng giữa việc tiêm chủng đầy đủ - cùng với mũi tăng cường - và những người chưa tiêm chủng: Hơn 75% ca nhiễm dương tính mới rơi vào nhóm đối tượng chưa tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế Israel vào tháng trước.

Với những ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện, quan chức Israel cho biết tỉ lệ người trên 60 tuổi được tiêm 2 mũi vaccine mắc bệnh nặng cao hơn gấp 5 lần so với người đã được tiêm mũi tăng cường.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện điều trị bệnh dị ứng và truyền nhiễm tại Mỹ, đã trích dẫn các dữ liệu để đưa ra khuyến nghị rằng mọi người nên có mũi tiêm vaccine tăng cường khi đủ điều kiện.

"Nếu bạn nhìn kỹ vào các dữ liệu ở Israel, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt rõ ràng về việc suy giảm miễn dịch sẽ biểu hiện một cách trực diện đối với người già, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác", bác sĩ Fauci nói.

Bài học đến từ Israel là minh chứng cho việc nhiều quốc gia cũng đang triển khai các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch hiện nay, khi số lượng ca nhiễm mới đang leo thang tại nhiều nơi ở châu Âu.

Đức đang khuyến nghị tiêm mũi thứ 3 cho tất cả công dân trên 18 tuổi và mũi tăng cường đã được chuẩn bị sẵn sàng cho người dân trên 40 tuổi tại Anh trong tuần này.

Ở Pháp, nhu cầu về mũi tiêm tăng cường tăng cao một cách đáng kể khi Tổng thống Pháp đưa ra thông báo mũi tiêm vaccine thứ 3 sẽ là điều kiện tiên quyết để xác thực lại thẻ thông hành y tế để có thể tham gia các hoạt động giao thông công cộng và các hoạt động trong không gian kín.

Tại Mỹ, mũi tăng cường giờ đây được triển khai cho người từ 18 tuổi trở lên.

Lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 5

Tuy nhiên, các thông tin mà Israel đưa ra không hoàn toàn tích cực: Mặc dù số ca mới đã giảm vào tháng 9 nhưng giảm một cách không đáng kể. Và một điều đáng lo ngại hơn khi chỉ số R - số người trung bình nhiễm Covid-19 từ 1 F0 - đã trở lại ở mức trên 1, theo báo cáo từ dữ liệu của Bộ Y tế Israel. Đây là một dấu hiệu đáng quan ngại khi virus có thể lại lây lan mạnh.

Các chuyên gia y tế như Giáo sư Eran Segal từ Viện Weizmann tại Israel cho rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu Israel đang bước vào làn sóng dịch bệnh lần thứ 5. Nhưng họ nhấn mạnh đến con số 1,5 triệu người đã tiêm 2 mũi không quay lại để tiêm mũi tăng cường.

"Số người đã tiêm vaccine từ lâu cao hơn số người mới tiêm và tiêm mũi tăng cường, điều dẫn tới sự suy giảm miễn dịch của toàn dân", Giáo sư Segal chia sẻ.

Hiện Israel đang nỗ lực kiểm soát nguy cơ làn sóng dịch bệnh lần thứ 5 khi giới chức khuyến khích những người chưa tiêm phòng đầy đủ hay những người có đủ điều kiện đi tiêm vaccine. Nước này cũng đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em và vẫn duy trì các biện pháp phòng ngừa.

Nhiều ca nhiễm bệnh mới đều xuất phát từ trẻ em Israel ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, theo chia sẻ của các nhân viên y tế. Một chiến dịch tiêm vaccine cho đối tượng này đã bắt đầu được triển khai.

Mặc dù có tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra khuyến nghị triển khai các biện pháp phòng ngừa hiện hành, đặc biệt vào mùa đông, khi các hoạt động sinh hoạt chuyển vào trong nhà.

Bộ trưởng Y tế Công cộng Israel Nachman Ash nói rằng sự gia tăng về số lượng ca nhiễm mới là do nhiều người không chấp hành quy định như đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Ran Balicer, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chuyên gia Quốc gia về Covid-19, cảnh báo rằng việc lơ là với sự suy giảm của kháng thể trong vaccine ở người đã tiêm 2 mũi có thể khiến họ rơi vào nguy hiểm bởi không có sự bảo đảm về tác dụng 100% của vaccine đối với Covid-19.

"Không có một viên đạn kì diệu nào có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối, đặc biệt là mùa đông. Chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp: đeo khẩu trang trong nhà, điều chỉnh hành vi sinh hoạt, hạn chế các sự kiện trong nhà, đẩy mạnh thẻ xanh Covid và chiến dịch tiêm chủng vaccine tăng cường".