1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài học cho Biden từ chính sách với Triều Tiên dưới thời Trump

Mối đe dọa từ kho hạt nhân Triều Tiên trong thập kỷ qua lớn tới nỗi chính quyền Mỹ mới không thể "xếp xó" vấn đề này. Liệu chính quyền Biden sẽ áp dụng chiến lược gì với Bình Nhưỡng sau khi rút ra bài học từ những người tiền nhiệm?

Triều Tiên đã "chào đón" chính quyền Tổng thống Joe Biden bằng những cuộc thử tên lửa và những lời đe dọa. Hồi tháng 1/2021, ông Kim Jong Un khẳng định trước Đảng Lao động Triều Tiên rằng, nước này có kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân có thể nhắm vào chính xác các mục tiêu ở phía tây nước Mỹ. Ngày 25/3, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra Biển Nhật Bản, làm dậy sóng khu vực Đông Bắc Á vốn tương đối ôn hòa trong những năm gần đây.

Bài học cho Biden từ chính sách với Triều Tiên dưới thời Trump - 1

Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters

Bài học từ chính sách với Triều Tiên dưới thời Trump

Tổng thống Biden và các cố vấn của ông đang xem xét chiến lược của Mỹ với Triều Tiên và đề cập đến một "hướng tiếp cận mới". Tuy nhiên, chính quyền của ông không nên bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Triều Tiên là một trường hợp hiếm hoi mà đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden có thể lựa chọn những phương diện mang tính xây dựng từ chính sách của cựu Tổng thống Trump mặc dù chiến lược này cũng có không ít những hạn chế.

Năm 2018, ông Trump và ông Kim Jong Un đã ký một tuyên bố ở Singapore, chính thức khẳng định Triều Tiên đang trong quá trình dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận này đã xây dựng một lộ trình cho sự bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng, cũng như thúc đẩy một hiệp định hòa bình chính thức nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Mỹ cũng đã thảo luận về các kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên.

"Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định cam kết vững chắc và không thể dao động của mình nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên", tuyên bố ngày 12/6/2018 cho hay.

Một số nhà quan sát cho rằng, tuyên bố ở Singapore còn thiếu những nội dung chi tiết về kế hoạch thực hiện. Trên thực tế, 2 cuộc gặp sau đó giữa ông Trump và ông Kim năm 2019, một tại Hà Nội và một tại Bàn Môn Điếm, không thể đảm bảo những kế hoạch cụ thể nhằm đảo ngược chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng chủ yếu đóng băng sau đó, một phần là do đại dịch Covid-19 khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un buộc phải đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là Mỹ đã nhận được những lợi ích chiến lược từ thỏa thuận ở Singapore và nhiều người ở Washington đã không đánh giá đầy đủ về nó. Thực tế là Triều Tiên đã dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa kể từ khi các hội nghị với Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu năm 2018. Ông Kim Jong Un cũng tiến hành những biện pháp xây dựng lòng tin dưới thời cựu Tổng thống Trump khi Triều Tiên thả 3 tù binh Mỹ và trao trả hài cốt của 50 quân nhân Mỹ chết trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Các quan chức Triều Tiên cũng công khai đưa ra những động thái nghiêm túc nhằm đóng băng hoặc đảo ngược các chương trình hạt nhân trong quá trình đàm phán với cựu Tổng thống Trump và các nhà ngoại giao của ông. Những động thái này bao gồm việc hạn chế nguyên liệu hạt nhân và đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon được sử dụng để sản xuất uranium và plutonium có thể sử dụng cho vũ khí nằm cách Bình Nhưỡng 100 km về phía bắc.

Tuy nhiên, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội thất bại năm 2019, bà Choi Sun Hee, một trong các trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên nhận định: "Rõ ràng, lần này Mỹ đã ném đi cơ hội vàng".

Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích vẫn chia rẽ về việc nhìn nhận tầm quan trọng của tuyên bố Singapore và lợi ích của chính sách ngoại giao với Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc cho rằng việc cựu Tổng thống Trump thực hiện chính sách gây sức ép tối đa, đồng thời tìm kiếm cơ hội phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên đã khiến quá trình đàm phán sụp đổ. Trong khi đó, các cựu cố vấn theo quan điểm cứng rắn dưới thời ông Trump như ông John Bolton thì tin rằng, những Hội nghị Thượng đỉnh đơn giản chỉ là một "đòn nghi binh" của phía Triều Tiên để làm giảm sức ép về tài chính, trong khi vẫn giữ nguyên các kho hạt nhân.

Dự đoán chiến lược với Triều Tiên của chính quyền Biden

Tổng thống Biden, vốn đang bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy các chính sách trong nước, có thể sẽ xem xét những di sản phức tạp của ông Trump với Triều Tiên và có một hướng tiếp cận từ tốn hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể sẽ tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Obama khi áp dụng lập trường "kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng. Điều này có thể thấy rõ qua việc chính quyền Mỹ không quan tâm đến những cuộc trao đổi trực tiếp với ông Kim Jong Un trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama bởi họ tin rằng sức ép tài chính sẽ buộc Triều Tiên phải quay lại bàn đàm phán với những nhượng bộ thực sự.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ kho hạt nhân của Triều Tiên trong thập kỷ qua đã lớn tới nỗi chính quyền Mỹ mới không có cơ hội để "xếp xó" vấn đề này. Theo The Hill, ước tính Triều Tiên có 60 quả bom nguyên tử và cuộc thử nghiệm lần gần đây nhất của nước này vào năm 2017 đã cho thấy kết quả hứa hẹn hơn nhiều so với những cuộc thử nghiệm trước đó. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng công khai thông báo về ý định phát triển vũ khí nhiệt hạch.

Theo nhà quan sát Jay Solomon nhận định trên The Hill, chính quyền ông Biden nên nhanh chóng thông báo với Bình Nhưỡng rằng Mỹ đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp dựa trên cấu trúc và mục tiêu của tuyên bố Singapore. Hướng tiếp cận này sẽ giúp Mỹ xem liệu việc cắt giảm chương trình hạt nhân theo từng giai đoạn của Triều Tiên có phải một phương án khả thi hay không. Trước đây, ông Kim Jong Un từng khen ngợi thỏa thuận ở Singapore là một thành tựu lịch sử của chính quyền ông.

Nếu Bình Nhưỡng từ chối, chính quyền Tổng thống Biden sẽ áp dụng một lập trường mạnh mẽ hơn nhằm tăng sức ép quân sự và tài chính với Triều Tiên. Hướng tiếp cận này sẽ giúp nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện với các đồng minh chủ chốt ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản rằng Washington đang tham gia một cách đầy đủ vào việc ứng phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Trước đó, một số nhà lãnh đạo khu vực từng lên tiếng lo ngại rằng Mỹ không thể đảo ngược các chương trình vũ khí của Triều Tiên nữa.

Tháng trước, trao đổi với Viện Hudson của Mỹ, Tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu Chun In Bum nhận định, Seoul hiện đang đặt câu hỏi về việc liệu các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể thực sự bị ngăn chặn về dài hạn hay không.