1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bắc Kinh tự tin thái quá, nguy cơ đụng độ Trung - Mỹ gia tăng

(Dân trí) - Ngày một tự tin vào sức mạnh quân sự đang gia tăng, Trung Quốc được cho là sẽ không ngần ngại đáp trả Mỹ nếu "sân sau" bị xâm nhập.

china-df-21d-1441853803076
Tên lửa chống hạm DF-21D của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh (Ảnh: EPA)

Khả năng về một cuộc đối đầu như vậy xem ra không còn xa (?)

Vẫn kịch bản đe dọa...

Một ngày trong tương lai gần, để chuẩn bị đáp trả sau khi bị tấn công, Trung Quốc phóng các tên lửa đạn đạo để bắn hạ một tàu sân bay, đồng thời phá hủy một sân bay trong lúc một chiến đấu cơ cất cánh.

Kẻ địch trong đoạn phim hoạt hình do "gã khổng lồ" ngành công nghệ Tencent của Trung Quốc công bố hồi tháng trước không được nêu tên, nhưng chiếc tàu sân bay trông rất giống hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Mỹ. Trong khi đó chiến đấu cơ bị phá hủy rõ ràng là một chiếc F-22 do hãng Lockheed Martin sản xuất.

Đây có thể chỉ là chuyện tưởng tượng, nhưng đoạn clip – đã có hơn 60 triệu lượt truy cập – cho thấy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và sự tự tin thái quá đang ngày một tăng trong dư luận cũng như quân đội Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn và tin tưởng rằng quân đội của họ đã làm chủ công nghệ ở mức ít nhất có thể khiến Mỹ phải cân nhắc kỹ, trước khi có bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào tại những nơi Bắc Kinh xem là "sân sau" của mình (?)

“Liệu người Mỹ có dám chắc họ sẽ ở thế thượng phong trong trường hợp đối đầu với Trung Quốc? Trung Quốc mỗi ngày đều đang chuẩn bị để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hiện đại”, trung tướng hồi hưu Luo Yuan, một nhà bình luận quân sự nước này viết.

Các nhà phân tích hiện cho rằng có 3 “mặt trận” tiềm năng cho một cuộc đối đầu như vậy, đó là tại Biển Đông - nơi Trung Quốc đang có một loạt tuyên bố chủ quyền tranh cãi với các nước láng giềng, biển Hoa Đông – nơi những hòn đảo hẻo lánh là nguồn gốc gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và đồng minh Nhật Bản của Mỹ, và Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột nhằm giành quyền kiểm soát hòn đảo này.

Mỹ đến nay vẫn là cường quốc quân sự số một thế giới, đã cam kết sẽ tiếp tục đưa tàu vào các vùng biển quốc tế ngoài khơi Trung Quốc, đồng thời triển khai một số khí tài hiện đại nhất tới khu vực.

Từ phía Trung Quốc, qua màn phô trương mới nhất vũ khí quân sự trong cuộc diễu hành rầm rộ tại Bắc Kinh tuần trước, Bắc Kinh rõ ràng muốn chứng tỏ sự gia tăng đáng kể về năng lực quốc phòng của nước này.

Trong số những vũ khí lần đầu được đưa ra trình diễn có tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong 21D, một loại vũ khí chưa được kiểm chứng, được cho là thiết kế để phá hủy tàu sân bay đối phương với chỉ một lần phóng.

Ngoài ra còn có các tên lửa đạn đạo liên lục địa như DF-5B và DF-31A. Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, với biệt danh “sát thủ đảo Guam” cũng góp mặt. DF-26 được truyền thông Trung Quốc miêu tả có thể đe dọa căn cứ Mỹ trên đảo Guam tại Thái Bình Dương.

Song theo nhận định của một quan chức cấp cao Mỹ, dù nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc những năm qua đã gây nhiều lo ngại, cuộc duyệt binh vừa qua chỉ “phần nhiều mang tính phô trương, chứ không phải điều gì có thể khiến ai đó tại Washington quá lo lắng”.

... Và vẫn tiếp tục thách thức

Các đường băng và cảng biển do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, được Bắc Kinh tin là sẽ giúp quân đội nước này hoạch định sức mạnh sâu rộng hơn xuống các vùng biển Đông Nam Á.

“Chúng ta về cơ bản đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất”, ông Zhang Zhaozhong, chuẩn đô đốc hồi hưu của hải quân Trung Quốc tuyên bố với truyền thông trong một cuộc phỏng vấn mới đây, khi bình luận về khả năng đối đầu với Mỹ tại các vùng biển quanh Đài Loan.

“Giờ chúng cần phải xuyên thủng chuỗi đảo thứ hai và thứ ba”, ông Zhang nói, ám chỉ việc nhắm tới khả năng thách thức hải quân Mỹ tại phần còn lại ở Đông Á và tiếp đó là tại Hawaii.

Richard Bitzinger, một nhà phân tích an ninh khu vực tại trường Quốc tế học S. Rajaratnam, Singapore cho rằng, cuộc duyệt binh vừa qua của Trung Quốc không có gì mới về mặt công nghệ. Nhưng ông lo ngại trước khả năng quân đội Trung Quốc đang tỏ ra quá tự tin.

“Chỉ vì họ đang phát triển những năng lực có khả năng làm phức tạp thêm các chiến dịch, đặc biệt của người Mỹ, thì điều đó không có nghĩa là họ đã chiến thắng cuộc chiến đó”, ông Bitzinger nói.

Mỹ với chiếc lược “tái cân bằng” sang châu Á, chắc chắn sẽ không từ bỏ vị thế dẫn đầu về sức mạnh hải quân tại Tây Thái Bình Dương. Hiện hải quân Mỹ đang triển khai hoặc đã phân bổ khoảng 58% số lượng tàu chiến, máy bay, thủy thủ, lính thủy đánh bộ tới Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm tại Nhật Bản, đảo Guam và Singapore.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang trên đường tới Nhật Bản và thêm 3 chiếc tàu sân bay khác được đồn trú tại bờ biển của Mỹ bên Thái Bình Dương. Một bản báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây cũng lưu ý về những khoảng cách lớn trong năng lực quốc phòng của Trung Quốc, mà một trong những dẫn chứng là việc nước này thiếu năng lực đủ mạnh trong tác chiến chống tàu ngầm.

“Sở hữu những tên lửa đó và có thể sử dụng chúng hiệu quả trong một cuộc xung đột là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”, một quan chức phương Tây tại Bắc Kinh dẫn những đánh giá nội bộ về màn phô trương tên lửa hồi tuần qua cho biết. Vị này cũng bày tỏ hoài nghi liệu Bắc Kinh đã đưa vào biên chế những mẫu mới nhất chưa (?)

Thanh Tùng

Tổng hợp

Bắc Kinh tự tin thái quá, nguy cơ đụng độ Trung - Mỹ gia tăng - 2