1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Biển Đông ở đâu trong cuộc chiến lợi ích Trung-Mỹ?

Biển Đông là một bàn cờ mà thế cục của nó phải được quyết định bởi chính những nước trong khu vực, chứ không phải là những yếu tố bên ngoài.

Trung Quốc và tham vọng thống trị quân sự ở Đông Á

Cuộc tập trận CARAT 2015 trong khu vực Biển Đông với sự tham gia của Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines, đã được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 27-6. Hải quân Mỹ và Philippines sẽ tổ chức tập trận riêng rẽ đến ngày 26, trong khi đó hải quân Nhật và Phi sẽ tập trận cho tới ngày 27.

Đợt tập trận này cùng với sự gia tăng hoạt động của hạm đội Mỹ trong khu vực và việc máy bay tuần tiễu chống ngầm Nhật Bản lượn trên bầu trời biển Đông được tuyên truyền là sự chứng minh với Trung Quốc rằng: Washington sẽ không làm ngơ trước các hành động đơn phương của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích chính trị, những động thái này chẳng nói lên điều gì. Đặc biệt là chuyên viên của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga Vasily Kashin cho rằng, các động thái của Mỹ cũng không thể ảnh hưởng đến thực trạng đã bị thay đổi trên biển Đông.

Bằng cách xây dựng đảo nhân tạo trên cơ sở các đảo san hô và đá ngầm, Bắc Kinh đã có những hành động thay đổi cán cân lực lượng trong quần đảo Trường Sa một cách căn bản và dù nước này có dừng lại ở đây thì cũng không ai ép được Trung Quốc đưa biển Đông về hiện trạng ban đầu của nó.

Bắc Kinh không chờ đợi việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ mang lại tình trạng pháp lý lãnh hải. Họ thừa biết rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một hòn đảo nhân tạo được xây dựng trên rạn san hô không thể tạo ra xung quanh nó vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.

Biển Đông bị ảnh hưởng lớn bởi quan hệ lợi ích Trung-Mỹ?
Biển Đông bị ảnh hưởng lớn bởi quan hệ lợi ích Trung-Mỹ?
 
Bởi vậy, mục đích của việc xây dựng các đảo nhân tạo này của Bắc Kinh là tạo ra thay đổi thực sự trong cán cân lực lượng quân sự trên Biển Đông, trên đường tới eo biển chiến lược quan trọng Malacca. Nói chính xác ra, Bắc Kinh hiện đang tìm kiếm “quyền kiểm soát thực tế” bằng hành động quân sự.

Trung Quốc chỉ kiểm soát 7 đảo, đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, tất cả các đảo này đều có diện tích nhỏ. Đây là trở ngại chính để triển khai các đối tượng cơ sở hạ tầng quân sự trong khu vực chiến lược trên vùng biển quan trọng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng hơn 1.000 km.

Bởi vậy, Trung Quốc đã xây dựng trong khu vực này các đảo nhân tạo với diện tích nhiều cây số vuông, lớn hơn tất cả các hòn đảo tự nhiên ở đây cộng lại. Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã đắp bồi thêm trên các đảo một diện tích khổng lồ khoảng 800ha.

Trên những hòn đảo này có thể xây dựng các căn cứ quân sự với đầy đủ sân bay và cầu cảng, với trung tâm thông tin liên lạc, trạm radar và tình báo điện tử... Tất cả những điều đó sẽ nâng sự hiện diện của Hải quân và không quân Trung Quốc trong khu vực lên một mức độ khác.

Sau khi hoàn tất xây dựng tất cả mọi cơ sở hạ tầng cần thiết trên đảo, sức mạnh của không-hải quân Trung Quốc trong khu vực sẽ được nâng lên rất nhiều. Với những căn cứ này, Bắc Kinh sẽ ở trên thế mạnh hơn so với các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, vì thế có thể khẳng định là nước này sẽ không dừng tay.

Chiến hạm Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung
Chiến hạm Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung

Những hoạt động vừa qua của Mỹ được cho là nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Quyền tự do đi lại của tàu chiến Mỹ qua vùng biển này là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nếu không có điều này, Mỹ sẽ mất đi năng lực cơ động lực lượng nhanh chóng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hơn thế nữa, nếu tự do hàng hải của Mỹ bị đe dọa, thực tế là tất cả các vai trò quân sự hàng đầu của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, những điều đó không đủ quan trọng để dẫn đến việc Washington sẵn sàng đối đầu quân sự với Bắc Kinh trên biển Đông.

Trong mấy ngày qua, nhiều người đã nghĩ tới một kịch bản xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông khi Washington đưa ra những ngôn từ rất mạnh về khả năng điều động lực lượng quân sự đến vùng biển này.

Vấn đề ở đây là tính mục đích của Mỹ. Thực sự Washington ngăn cản Trung Quốc vì những nguyên tắc và luật lệ quốc tế, vì “công lý” cho tất cả các nước trong khu vực hay chỉ vì tự do hàng hải và lợi ích của bản thân mình? Chính điều đó sẽ quyết định những động thái của Mỹ trên biển Đông.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây ngang nhiên tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở để đáp ứng "các nhu cầu quân sự và dân sự", sau khi công việc cải tạo đảo sắp hoàn tất. Tuyên bố này được đưa ra trước thềm vòng 5 đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đáng lưu ý là Vòng đối thoại này được tiến hành sau chuyến thăm Mỹ từ ngày 8 đến 12 tháng 6 của Thượng tướng Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc và 3 thượng tướng khác. Nó cũng được tiến hành song song với vòng 6 về “Cơ chế đối thoại giao lưu nhân văn Trung - Mỹ”.

Trong chuyến thăm của ông Phạm Trường Long, 2 nước đã ký kết 2 văn kiện quan trọng là Hiệp định khung cơ chế đối thoại giao lưu và hợp tác Lục quân Trung - Mỹ” và Biên bản ghi nhớ của Thỏa thuận về nguyên tắc hành vi an ninh khi gặp nhau trên biển và trên không”.

Trong vòng đối thoại thứ 5, Biên bản ghi nhớ trên sẽ thêm phần “An ninh không đối không” giữa lực lượng không quân hai nước trên Biển Đông để “tránh hiểu lầm và ngộ nhận, dẫn tới xung đột” và có thể được chính thức đưa vào Thỏa thuận trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập cận Bình vào tháng 9 tới.

Đặc biệt là về mặt kinh tế, vòng đối thoại này đang chuẩn bị một bước đột phá về thỏa thuận chi tiết trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, sẽ được ấn định trong chuyến thăm Washington của ông Tập vào tháng 9 tới. Đây là vấn đề quan tâm lớn nhất của cả Mỹ và Trung Quốc trong quan hệ giữa 2 nước, trong tương lai.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương (phải) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (thứ 2 phải) tham dự cuộc họp trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ- Trung. (Ảnh: THX-TTXVN)

Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quan hệ lợi ích Trung-Mỹ

Theo ông Pavel Zolotarev, Phó giám đốc Viện Mỹ và Canada, nền tảng quan hệ kinh tế gần gũi là một đảm bảo rằng, bất chấp mọi xung đột, kể cả trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến lại với nhau. Những tuyên bố cứng rắn của Mỹ trong thời gian qua có thể chỉ là con bài để “làm giá”.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang ở trong tình trạng “vừa xung đột, vừa mặc cả”, thể hiện rõ xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa 2 cường quốc này là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”; “vừa kìm chế lẫn nhau nhưng lại phụ thuộc không thể tách rời”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nhà nước của Nga Vladimir Yevseyev cho rằng, hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thỏa hiệp tiềm năng cho Hoa Kỳ và chấp nhận được đối với Trung Quốc. Chuyến thăm Washington sắp tới của ông Tập sẽ cho phép đạt được điều này ở một mức độ nhất định.

Washington hiện khó có thể kiềm chế được Bắc Kinh và ngày càng gặp khó khăn lớn hơn trong vấn đề này. Có nhiều khả năng, kết quả của “trận đấu” này sẽ là một kiểu phân chia ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh và bên kia là Trung Quốc.

Ông Yevseyev nhấn mạnh, Trung Quốc nhận thức được điều đó và sẽ chờ đợi sự phân chia ảnh hưởng và lối thoát ra khỏi cuộc đối đầu giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự-chính trị. Washington sẽ vẫn phản đối nhưng mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó, còn Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục những hành động của mình.

Trong bối cảnh này, Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi mối quan hệ lợi ích giữa Washington và Bắc Kinh, hay nói thẳng ra là đừng nên ảo tưởng Mỹ sẽ đối đầu quân sự với Trung Quốc vì biển Đông.

Theo Thiên Nam
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm