1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bắc Kinh "né" tranh chấp để thực thi tham vọng Trung Đông

(Dân trí) - Với mức độ hiện diện ngày càng mạnh mẽ tại Trung Đông, Trung Quốc đang thể hiện tham vọng tạo ảnh hưởng tại khu vực bất ổn nhưng đầy tiềm năng này, tờ Diplomat của Nhật nhận định.

Quân đội và bác sĩ Trung Quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Trung Đông. (Ảnh:

Quân đội và bác sĩ Trung Quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Trung Đông. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Đầu tháng 6/2015, phát biểu trong Hội nghị Thượng định G7 tại Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận chính quyền của ông đã không có “chiến lược toàn diện” đối với các tay súng Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông.

Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong bài phát biểu, thông điệp về Trung Đông của Tổng thống Obama đủ cho thấy Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong cách thức đối phó với các vấn đề phức tạp ở khu vực này.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông là cần coi Trung Quốc như một "nhân tố mới”. Sở hữu tham vọng mở rộng ảnh hưởng, có mối quan hệ kinh tế với các quốc gia khu vực ngày càng phát triển, lại không đặt nặng vấn đề tư tưởng tôn giáo, Trung Quốc được coi như đang trở thành “nhân tố mới” đáng chú ý tại Trung Đông.

Mỹ không còn là một đầu mối hiệu quả?

Tại Trung Đông, vấn đề bức xúc nhất là xung đột giữa Israel với các quốc gia Ả rập. Mỹ từ lâu luôn ủng hộ Israel. Theo quan điểm của thế giới Ả rập, Mỹ là hiện thân cho “bên kia” trong cuộc chiến Israel - Ả rập và không thể đóng vai trò cầu nối trong cuộc xung đột.

Mạng lưới quan hệ phức tạp của Washington tại Trung Đông đã khiến Mỹ mắc kẹt, trở thành một phần vấn đề tại Trung Đông. Do đó, Mỹ không còn là cầu nối hiệu quả trong các xung đột khu vực.

Tuy nhiên, Washington lại không thể cắt đứt quan hệ với Trung Đông, mà buộc phải duy trì sự có mặt tại khu vực này với 3 lý do:
Thứ nhất là nghĩa vụ giúp tái thiết Iraq sau cuộc tàn phá trong cuộc chiến do Mỹ tạo ra năm 2003.
Thứ hai là do vấn đề hạt nhân Iran.
Cuối cùng, Mỹ là đồng minh của Israel nên một khi xung đột giữa Israel và thế giới Ả rập chưa kết thúc, người Mỹ chưa thể rời đi.

Kinh tế - thuốc đặc trị cho Trung Đông

Theo quan điểm của Trung Quốc, không có “phương thuốc” nào cho xung đột kéo dài hàng thế kỷ tại Trung Đông. Đặc biệt, khi những "mối thù truyền kiếp" này bắt nguồn từ tiền bạc, thì chỉ khi các điều kiện kinh tế được cải thiện, căng thẳng mới có thể giảm bớt.

Trong nỗ lực tạo ảnh hưởng tại Trung Đông, bằng chính sách tăng cường đầu tư vào khu vực, Trung Quốc đã khôn khéo xây dựng quan hệ bền chặt với cả hai bên đối đầu là Israel và các quốc gia Ả rập.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư lớn vào dự án “Ốc đảo Silicon” của Israel và hỗ trợ mạnh về vốn cho quốc gia này. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel, còn Israel là nguồn cung cấp công nghệ quân sự lớn thứ 2 của Bắc Kinh.

Tại thế giới Ả rập, các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, tham gia buôn bán vũ khí, khởi xướng các hoạt động khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản của khu vực. Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 6,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó một nửa là từ Trung Đông.

Đứng ngoài tranh chấp

Cần khẳng định, Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn so với Mỹ (và các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, hay Nga) ở Trung Đông.

Thứ nhất, Bắc Kinh không đặt nặng các vấn đề tôn giáo, thuộc địa và lịch sử như các quốc gia khác. Bằng việc khôn khéo đứng ngoài tranh chấp Ả rập-Israel, Trung Quốc đã không sa vào bãi lầy thiên vị nhạy cảm giữa Do Thái và Hồi giáo.

Tăng cường đầu tư ở Trung Đông, Bắc Kinh không nhất thiết phải đảm bảo thành công về ngoại giao trong tương lai, do Trung Quốc không có liên quan gì tới khu vực về mặt địa lý hay nhân khẩu học.

Trong khi Washington vẫn phải hiện diện ở Trung Đông để thực hiện các cam kết an ninh, Bắc Kinh lại có điều kiện chứng tỏ vai trò nước lớn tại khu vực và quan trọng hơn là để làm kinh tế.

Một số nhà bình luận Mỹ cho rằng, để hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường thế giới của mình, Bắc Kinh không thể bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” Trung Đông.
Tuy nhiên, một số khác cho rằng Trung Quốc không thể “gây mầm” an ninh, hòa bình và ổn định tại Trung Đông nếu thiếu Mỹ (cũng như các cường quốc khác).
Song không ai có thể phủ nhận tham vọng mở rộng ảnh hưởng, khai thác tiềm năng kinh tế khu vực của Bắc Kinh, Diplomat nhấn mạnh.

Nghi Phương

Theo Diplomat