Bắc Cực: Cuộc phân chia lãnh thổ lớn cuối cùng
(Dân trí) - Việc Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực là một trong số ít các dấu hiệu cho thấy các nước đang tiến gần tới thời hạn chót vào năm 2009 để thực hiện cái gọi là sự phân chia lãnh hải cuối cùng trong lịch sử.
Theo ước tính, khoảng 7 triệu km2 lãnh hải (bằng diện tích của Australia) ở Bắc Cực với nhiều nguồn tài nguyên mà cho tới nay vẫn còn là một ẩn số như dầu khí và sinh vật biển có thể sẽ được chia cho các nước trên thế giới.
Tới nay, mới chỉ có 8 nước đưa ra tuyên bố về chủ quyền, mặc dù có khoảng 50 nước ven biển phải nộp đơn trước thời hạn chót 13/5/2009 theo kế hoạch của Liên Hợp Quốc để xác định ranh giới hiện không rõ ràng bên ngoài vùng biển đã được công nhận của mỗi nước theo Công ước về Luật biển năm 1982.
Ông Peter Croker, một quan chức cao cấp của Ireland sắp rời khỏi cương vị Chủ tịch Uỷ ban phân định ranh giới thềm lục địa, cơ quan giám sát việc đệ trình đơn của các nước ven biển, nói: "Chúng ta rõ ràng đang tiến hành chậm hơn kế hoạch. Có quá nhiều việc trong khi tiến độ diễn ra chậm chạp".
Nga, Australia, Pháp và Brazil nằm trong số ít các nước tuyên bố chủ quyền. Đáng chú ý nhất là việc các nhà thám hiểm Nga đã cắm quốc kỳ dưới đáy biển Bắc Cực với độ sâu 4.261 m.
Theo Công ước về Luật biển năm 1982, các nước ven biển sở hữu vùng đáy biển cách bờ 200 hải lý nếu nó vẫn thuộc thềm lục địa với độ sâu thoai thoải. Một số thềm lục địa trải rộng hàng trăm dặm rồi mới đến vùng biển nước sâu không thuộc sở hữu của nước nào. Các quy định này nhằm xác định ranh giới địa chất rõ ràng đối với vùng biển ngoài thềm lục địa song có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền.
Ông Lars Kullerud, chuyên gia tư vấn cho các nước đang phát triển về việc đệ trình đơn tại tổ chức GRID-Arendal do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Na Uy quản lý, nói: "Đây có thể là lần phân chia lãnh thổ lớn nhất và cuối cùng trong lịch sử".
Ông Yannick Beaudoin, một chuyên gia khác của GRID-Arendal, nói: "Năm 2009 là thời hạn chót và bắt buộc. Nó cho phép các nước đòi chủ quyền mà không cần phải tranh giành nhau bằng vũ lực".
Các cuộc tranh cãi lớn nhất dường như có thể xảy ra ở các khu vực có các nước đòi chủ quyền như khu vực Biển Đông hay Nam Cực. Những đốm nhỏ nằm chơi vơi trên bản đồ, như đảo Phục sinh hay đảo Thăng thiên, có thể được sở hữu những vùng biển rộng lớn. Ở châu Phi, Mađagaxca có thể lớn tiếng đòi chủ quyền thềm lục địa kéo dài tới tận Nam Cực.
Việc tuyên bố chủ quyền về khoáng sản, năng lượng địa nhiệt hay các sinh vật biển ở vùng biển xa bờ đang ngày càng trở nên thực tế hơn nhờ tiến bộ về công nghệ. Các giàn khoan dầu mỏ hiện đại có thể khoan ở vùng biển sâu tới 3.048 m. Mặc dù hiện nay không có hãng nào có thể khoan dầu ở gần Bắc Cực, song hiện tượng trái đất ấm lên có thể làm khu vực này dễ tiếp cận hơn.
Bất kỳ nước nào để lỡ thời hạn chót năm 2009 có nguy cơ không được Liên Hợp Quốc công nhận. Các nước chưa phê chuẩn Công ước về Luật biển, trong đó có Mỹ, không bị trói buộc bởi thời hạn chót này. Tuy nhiên, Uỷ ban phân định ranh giới thềm lục địa không thể quyết định đối với các đơn xin xác nhận chủ quyền đối với cùng một vùng lãnh hải, mà sẽ trả lại để các chính phủ tự giải quyết.
Theo giới phân tích, đây là một quá trình có thể kéo dài nhiều năm hay nhiều thập kỷ.
Anh Đức