1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ba tác nhân sẽ thay đổi “cảnh quan” Đông Nam Á

Phán quyết của PCA, trưng cầu dân ý về Hiến pháp của Thái Lan và tiến trình hòa bình và hòa giải của Myanmar có thể làm thay đổi “cảnh quan” khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.

Đó là nội dung bài viết đăng tải trên The Diplomat ngày 6/7.

Thứ nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. PCA sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/7 tới. Ngay cả khi Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của PCA, bất kỳ phán quyết nào trong vụ kiện này chắc chắn có ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc không chỉ với Philippines mà còn cả với các nước đang có tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của PCA sẽ được đưa ra ngày 12/7 tới. (Nguồn: AP)
Phán quyết của PCA sẽ được đưa ra ngày 12/7 tới. (Nguồn: AP)

Một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ gián tiếp thúc đẩy lòng tin của những nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Động thái này có thể gợi ý cho nhiều nhóm nước kêu gọi “Chexit”, tức là Trung Quốc cần chấm dứt hiện diện tại các thực thể đang có tranh chấp. Dự đoán Philippines sẽ thắng kiện và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gợi ý đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này.

Thứ hai là trưng cầu dân ý về Hiến pháp của Thái Lan. Hai năm sau khi tiến hành đảo chính, quân đội Thái Lan đã soạn dự thảo Hiến pháp nhằm lập lại sự lãnh đạo của chính quyền dân sự ở nước này. Cuộc trưng cầu dân ý được dự kiến diễn ra vào ngày 7/8 nhằm mục đích thông qua hoặc bác bỏ dự thảo Hiến pháp.

Một phiên họp của Hội đồng Lập pháp (NLA) tại Quốc hội Thái Lan ở thủ đô Bangkok. (Nguồn: TTXVN)
Một phiên họp của Hội đồng Lập pháp (NLA) tại Quốc hội Thái Lan ở thủ đô Bangkok. (Nguồn: TTXVN)

Việc có ít thông tin trên các trang web ở Thái Lan rằng, do chính quyền quân sự cấm mọi cuộc thảo luận có thể tác động đến quyết định của người dân Thái Lan bỏ phiếu thuận hay chống dự thảo Hiến pháp. Trong những tuần gần đây, cảnh sát đã bắt các nhà hoạt động bị cáo buộc phân phát truyền đơn nói về bản dự thảo Hiến pháp. Một số nhóm ủng hộ dân chủ cho rằng, bản Hiến pháp sẽ củng cố vai trò của quân đội thay vì thiết lập nền dân chủ tại Thái Lan.

Ít có khả năng xảy ra khủng hoảng chính trị do cuộc trưng cầu dân ý mà khi lên nắm quyền hồi năm 2014, quân đội cam kết sẽ tổ chức. Do Thái Lan đang đối mặt với viễn cảnh bất ổn nghiêm trọng, nền kinh tế của nước này có thể tiếp tục bị tổn hại và điều này cũng có thể tác động đến số phận của những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Thứ ba là tiến trình hòa bình và hòa giải của Myanmar. Hơn 60 năm sau khi giành được độc lập, nhiều sắc tộc thiểu số vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh chống lại chính quyền trung ương. Năm ngoái, thỏa thuận ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc đã được ký kết nhưng không phải tất cả các nhóm vũ trang đều tham gia sáng kiến này.

Thắng lợi áp đảo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã làm dấy lên hy vọng rằng cuối cùng tiến trình hòa bình và hòa giải sẽ được hoàn tất tại Myanmar. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, tân chính quyền đề nghị tổ chức Đại hội Toàn quốc vào tháng tới, theo mô hình hội nghị hòa bình mà cha của bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức hồi năm 1947.

Chính phủ Myanmar và 16 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang ký dự thảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc tháng 4/2015. (Nguồn: THX)
Chính phủ Myanmar và 16 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang ký dự thảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc tháng 4/2015. (Nguồn: THX)

Hội nghị Panglong thế kỷ 21 hy vọng tập hợp được tất cả các sắc tộc thiểu số và thuyết phục được các nhóm vũ trang ủng hộ lịch trình tái lập hòa bình và hòa giải của chính quyền. Có một vài thách thức phải vượt qua như sự bùng phát của Phật giáo cực đoan, tư tưởng bài Hồi giáo trong số các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan và việc quân đội tiếp tục có vai trò ảnh hưởng, do đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1962 đến nay.

Tuy nhiên, thành công của Hội nghị Panglong có thể hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi của Myammar hướng tới hiện đại hóa nền dân chủ bằng cách thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế trên quy mô lớn. Tiến trình hòa bình của Myanmar cũng có thể được dùng làm mô hình cho các nước khác như Philippines, nơi vẫn xảy ra các cuộc chiến tranh cục bộ và các phong trào đòi ly khai.

Theo Hằng Phạm (tổng hợp)

Thế giới và Việt Nam