1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba người Việt kể chuyện thoát nạn trong vụ đắm tàu "Titanic hiện đại"

Trương Đình Duy làm việc trên con tàu "Titanic của Italy" lúc tàu gặp nạn. Khi đèn trên tàu tắt phụt, tàu nghiêng và chìm dần, Duy hướng dẫn hành khách sơ tán rồi sau đó anh nhảy xuống biển.

 

Ba người Việt kể chuyện thoát nạn trong vụ đắm tàu "Titanic hiện đại" - 1
Costa Concordia đang nằm phơi mình trên biển.

Duy là một trong ba công dân Việt Nam làm việc trên tàu du lịch Costa Concordia bị nạn ở ngoài khơi đảo Giglio của Italy tối 13/1 đã may mắn thoát hiểm và lên được bờ an toàn.

 

Hiện cả ba người đều khỏe mạnh, đang nghỉ ở thủ đô Rome và chờ ngày lên đường trở về quê hương. Họ gồm Mai Thị Phương Thy, Trương Đình Duy và Danh Oanh Di, là nhân viên phục vụ phòng, phục vụ bàn ăn và nhà hàng trên tàu.

 

Danh Oanh Di đã hết hạn hợp đồng với Công ty Costa Crociere sở hữu con tàu du lịch thượng hạng này và lẽ ra theo kế hoạch sẽ rời tàu làm thủ tục về nước vào sáng 14/1, trong khi chị Mai Thị Phương Thy chỉ còn một tuần và anh Trương Đình Duy còn bốn tháng mới hết hạn hợp đồng.

 

Ba người cho biết vào khoảng 9 giờ tối 13/1 (giờ địa phương), họ nghe thấy tiếng va chạm mạnh bên mạn phải, sau đó tàu bắt đầu nghiêng, mọi thứ trên tàu rơi xuống sàn và đèn phụt tắt. Mặc dù lúc đó, cả ba người đều cảm thấy tàu lắc từ bên này sang bên kia, song theo thông báo của thuyền trưởng thì tàu vẫn trong trong tầm kiểm soát.

 

Khoảng 1 tiếng sau, thuyền trưởng yêu cầu các nhân viên đến khu vực quy định để hướng dẫn hành khách chuẩn bị rời tàu. Lúc tàu bị va chạm, Duy và Di đang làm việc tại tầng 3 và cả hai đều được lệnh quay lên tầng trên theo yêu cầu của thuyền trưởng. Không khí hoảng loạn bao trùm con tàu khi chuông báo động vang lên, hành khách cố bám víu lấy bất cứ thứ gì xung quanh để không bị rơi xuống biển và tìm cách lên các xuồng cứu hộ.

 

Duy cho hay, sau khi đã hướng dẫn một số hành khách xuống xuồng cứu hộ và phao cứu sinh, anh tiếp tục đợi thêm gần 2 tiếng nữa song vẫn không thấy lệnh của thuyền trưởng cho phép nhân viên rời tàu. Theo anh Duy, thuyền trưởng của tàu Costa Concordia và đa số thủy thủ đã rời tàu trong khi nhiều hành khách vẫn đang còn bị mắc kẹt trên tàu.

 

Sau khi chứng kiến cảnh hành khách tìm cách thoát thân trong hoảng loạn và tàu tiếp tục nghiêng, Duy chạy lên tầng cao của tàu. Lúc này nước đã ngập đến tầng 4 nên anh quyết định rời tàu, bơi được vào bờ và được những người dân trên đảo giúp đỡ.

 

Cũng như Duy, sau khi đã hướng dẫn hành khách lên tàu cứu sinh, anh Di mới rời tàu. Nhưng may mắn hơn, anh Di đã gặp được tàu cứu hộ ngay sau khi vừa bơi được một quãng ngắn. Anh Di chia sẻ, trong cơn hoảng loạn, mọi người xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tìm cách thoát thân. Có người còn tuyệt vọng nhảy xuống biển. Lúc ấy Di cũng cảm thấy sợ, nhưng anh tự trấn an phải bình tĩnh và điều xấu nhất đã không xảy đến với anh.

 

Còn chị Thy, sau khi cùng một số đồng nghiệp hướng dẫn hành khách sơ tán, chị cùng với những nhân viên còn lại ở tầng 3 rời tàu, lên xuồng cứu hộ để vào bờ. Tâm sự với chúng tôi, chị Thy cho biết niềm vui lớn nhất của chị khi lên bờ là gặp lại được hai người bạn của mình. Họ đã ôm chầm lấy nhau trong những tiếng nấc nghẹn ngào sung sướng sau khi vừa thoát nạn.

 

Vụ tai nạn của tàu Costa Concordia diễn ra khi tàu đang trong hành trình du lịch quanh Địa Trung Hải và va vào bãi đá ngầm gần đảo Giglio của Italy tối 13/1. Lúc đó, con tàu dài 290m, nặng 114.500 tấn này đang chở tới 4.229 người gồm hành khách và thủy thủ đoàn, chủ yếu là người Italy.

 

Vụ tai nạn đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng, khoảng 28 người vẫn đang còn bị mất tích và hơn 4.000 hành khách đã được đưa lên bờ an toàn.

 

Bộ trưởng Môi trường Italy Corrado Clini ngày 18/1 cho biết con tàu đang có nguy cơ bị trượt khỏi dải đá ngầm và chìm hoàn toàn. Theo ông, những cơn bão hoặc gió lớn trong thời gian tới có thể khiến chiếc tàu bị chìm hẳn.

 

Ngày 18/1, các thợ lặn đã được lệnh tạm ngừng việc tìm kiếm những người còn bị mất tích do các dòng chảy đang khiến con tàu lắc lư một cách nguy hiểm. Hiện nhiều người lo ngại rằng một thảm họa về môi trường có thể xảy đến khi 2.300 tấn nhiên liệu trên con tàu bị rò rỉ ra khu vực xung quanh đảo Giglio. Cuối ngày hôm qua, việc tìm kiếm nạn nhân kẹt trong tàu tiếp tục nối lại nhờ thời tiết trở nên tốt hơn.

 

Theo TTXVN