1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bà Merkel đắc cử thủ tướng Đức nhiệm kỳ 3

(Dân trí) - Kết quả thăm dò sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dẫn đầu với khoảng 42% phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội Đức ngày 22/9.

Nếu thắng cử, đây là nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức
  Nếu thắng cử, đây là nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức

Gần 62 triệu người dân Đức có đủ điều kiện đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử khai mạc 8h00 sáng qua theo giờ địa phương và đóng cửa lúc 18h00 cùng ngày. Kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy đảng của bà Merkel đang có được 42% số phiều bầu, cao nhất trong các chính đảng tham gia tranh cử.

Trong phản ứng đầu tiên sau khi có kết quả này, nữ Thủ tướng Đức kêu gọi đảng của bà ăn mừng “kết quả tuyệt vời”, vốn sẽ mở đường cho bà được tiếp tục nắm giữ cương vị hiện nay trong nhiệm kỳ thứ ba.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP) mà bà Merkel hy vọng sẽ liên minh trong chính phủ khóa mới dường như chưa hội đủ 5% tối thiểu để có ghế ở Quốc hội. Nếu điều này chính xác, bà sẽ phải tìm liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của đối thủ Peer Steinbrueck, được cho là giành khoảng 26%.

Liên minh với các đảng trung tả, cánh tả và đảng Xanh cũng là một khả năng lựa chọn cho bà Merkel.

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do vai trò chủ đạo của Berlin trong khu vực này. Với dân số lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), Đức có GDP vượt xa các nền kinh tế thành viên còn lại, mang lại cho nước này ưu thế quyết định trong hầu hết các hoạt động của EU cũng như Eurozone, nhất là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

 Phương án liên minh

Bầu cử ở Đức thường kéo theo thời gian đàm phán kéo dài sau đó, có thể lên tới vài tuần, về việc thành lập liên minh và tìm ra cơ cấu chính thức của chính phủ khóa mới.

Với kết quả bầu cử lần này, nhiều khả năng bà Merkel sẽ phải liên minh với đối thủ Peer Steinbrueck thuộc đảng đối lập SDP.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, bà Merkel - người bỏ phiếu tại Berlin - đã rất tự tin vào chiến thắng của đảng mình khi tuyên bố: "Tôi yêu cầu rằng quyết định của cử tri phải được tôn trọng bởi vì chính họ, chứ không phải bởi các cuộc thăm dò chính trị hay một số quan sát viên nào đó".

Bà cũng không quên kêu gọi cử tri bỏ phiếu để tiếp tục các chính sách của chính phủ do bà lãnh đạo tới năm 2017.

"Tôi yêu cầu mọi người trong nước Đức trao cho tôi một sứ mạng mạnh mẽ để tôi có thể tiếp tục phục vụ nước Đức thêm bốn năm nữa, vì một nước Đức mạnh hơn, một quốc gia được tôn trọng ở châu Âu, trong đó nước Đức có thể bảo vệ các lợi ích của mình và đồng thời còn là một người bạn của rất nhiều quốc gia", bà nói.

Theo một kết quả thăm dò được một trang web theo dõi bầu cử đưa lên mạng, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU/CSU) của bà Merkel giành được 38,6% số phiếu, đảng SPD đối lập được 25,8% và đảng Dân chủ tự do (FDP) của Ngoại trưởng Guido Westerwelle được 6,4%.

Trong trường hợp CDU/CSU không hội đủ số phiếu quá bán tại Quốc hội thì đảng này có thể xem xét thành lập liên minh với đảng SPD đối lập và đảng Dân chủ tự do (FDP) của Ngoại trưởng Guido Westerwelle.

Trong trường hợp SPD từ chối “bắt tay” với CDU/CSU và FDP có thành tích quá kém thì CDU/CSU sẽ hợp tác với các đảng nhỏ hơn để thành lập liên minh rộng hơn nhưng mong manh hơn.  

Vũ Anh
Theo BBC