1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan: Các nhà báo mang chất nổ vào trụ sở Quốc hội

(Dân trí) - Một trường hợp hy hữu đã xảy ra tại trụ sở Quốc hội Ba Lan khi các nhà báo nước này bí mật mang chất nổ vào phòng họp báo của cơ quan này.

Những thiết bị nổ này từng được mang vào tòa nhà Quốc hội Ba Lan một cách dễ dàng.
 Những thiết bị nổ này từng được mang vào tòa nhà Quốc hội Ba Lan một cách dễ dàng.


Vụ việc xảy ra ngày hôm qua khi các nhà báo thuộc Đài truyền hình Ba Lan nhờ một "người thứ ba" mang khoảng 3 kg chất nổ có thể chế tạo thành bom, cùng một camera mini để ghi lại "hành trình đột nhập" này.

Theo dữ liệu ghi lại trong chiếc camera, “người thứ ba" này đã đi qua cổng phụ và lối vào tầng hầm, sau đó tới phòng họp báo của Đảng Liên minh các lực lượng dân chủ cánh tả (UDLF) nằm trong trụ sở Quốc hội Ba Lan. Sau đó, nhân vật này đặt túi đựng chất nổ ngay ở hàng ghế đầu ở phòng họp báo mà không hề bị các nhân viên bảo vệ an ninh mảy may nghi ngờ hoặc kiểm tra.

Một điều rất đáng lưu tâm nữa là "người thứ ba" này hoàn toàn không có thẻ nhà báo hoặc giấy phép ra vào trụ sở cơ quan lập pháp Ba Lan.

Các nhà báo Đài truyền hình Ba Lan cho biết họ thực hiện “phi vụ’ này nhằm cảnh báo các nghị sĩ nước này rằng họ không được bảo đảm an ninh và an toàn đúng theo tiêu chuẩn cần phải có.

Chủ tịch Quốc hội Ba Lan Eva Kopach sau khi được cho xem đoạn băng trên đã thừa nhận sự lỏng lẻo đáng quan ngại trong công tác an ninh ngại tại cơ quan lập pháp cao nhất nước.

“Tôi đã không đúng khi mới đây tuyên bố rằng trụ sở Quốc hội được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt và không cần có thêm các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ an toàn cho các nghị sĩ”, bà Eva Kopach nói.

Chủ tịch Quốc hội Kopach khẳng định sẽ yêu cầu các cơ quan an ninh Ba Lan khắc phục ngay các lỗ hổng an ninh, đồng thời nhanh chóng thiết lập hàng rào bảo vệ quanh trụ sở Quốc hội.

Hiện tại, mới chỉ có 4 trong số 8 cửa ra vào ở cơ quan này có rào chắn cao 40 cm, không đủ khả năng ngăn chặn ô tô hạng nặng tấn công. Ngoài ra, cơ quan này cũng chưa áp dụng các thủ tục kiểm tra chất nổ đối với các phương tiện, hành lý và những người ra vào Quốc hội.

Hệ thống thiết bị cảnh báo khí độc trong các phòng họp cũng chưa được lắp đặt, trong khi toàn bộ hoạt động trong trụ sở Quốc hội được 130 camera ghi lại cũng chỉ được truyền về 19 màn hình lớn do một nhân viên theo dõi.

“Trụ sở Phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng trong tình trạng an ninh tương tự như trụ sở Quốc hội. Đặc biệt, các phòng làm việc của Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch hai viện Quốc hội chưa được trang bị kính chắn đạn”, bà Eva Kopach xác nhận thêm.

Những thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi cảnh sát Ba Lan bắt giữ Brunon K., một công dân 45 tuổi của thành phố Krakov vì âm mưu tấn công trụ sở Quốc hội. Brunon K. bị bắt ngay trước thềm năm mới 2013 khi đang tìm cách lái một xe tải chở 4 tấn chất nổ trotil xông vào trụ sở Quốc hội.

Linh Giang