1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba kịch bản tấn công Iran dưới góc nhìn của Mỹ (kỳ 2)

(Dân trí) - Theo nhận định của Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (Centcom), hiện có ít nhất ba giả thuyết về khả năng Nhà nước Do Thái tấn công Iran hòng triệt thoái điều mà họ cho là "tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran".

Cơ sở hạt nhân Fordow, mục tiêu tấn công chính của Tel Aviv.

Cơ sở hạt nhân Fordow, mục tiêu tấn công chính của Tel Aviv.


Đáng chú ý nhất trong số này là kịch bản Tel Aviv đột kích cơ sở hạt nhân ngầm Fordow trong chiến dịch mang tên “Iran Entebbe", ám chỉ cuộc đột kích năm 1976 do lực lượng đặc công Israel tiến hành nhằm vào sân bay Entebbe của Uganda nhằm giải thoát cho các công dân Israel bị bắt giữ làm con tin. Tuy vậy, hai kịch bản còn lại cũng rất đáng chú ý.

Tấn công tổng lực

Đây là giả thuyết đầu tiên được đưa ra song không phải là kịch bản khả thi nhất theo đánh giá của các nhà phân tích Mỹ. Trong kịch bản này, Nhà nước Do Thái sẽ tấn công tổng lực vào nhiều cơ sở của Iran trong cùng một thời điểm.

Khi lựa chọn kịch bản này, không quân Israel sẽ phải lựa chọn rất kỹ các mục tiêu tấn công, trong đó không thể không kể đến nhà máy nước nặng Arak, trung tâm làm giàu urani tại Natanz, Fordow, nhà máy tinh luyện urani ở Isfahan, căn cứ quân sự Parchin và lò phản ứng hạt nhân Bushehr, nơi các kỹ sư Nga đang có mặt. Trong số 6 cơ sở này, 4 địa điểm đầu tiên có nguy cơ bị tấn công cao nhất.

“Chiến dịch tấn công sẽ có sự tham gia hỗ trợ của tên lửa hành trình phóng từ các tàu ngầm, cùng với các tên lửa Jericho II (tầm trung) và Jericho III (tầm xa). Có thể cuộc tấn công sẽ được khởi đầu hoặc tiến hành song song với một cuộc chiến tranh điện tử", một quan chức cấp cao Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, theo Bộ Tổng tham mưu Liên quân Mỹ và Centcom, do hạn chế về khối lượng phương tiện quân sự hiện đại nên chiến dịch tấn công tổng lực, nếu được tiến hành, cũng sẽ không kéo dài được lâu.

"Israel sẽ tấn công cấp tập theo kiểu đánh nhanh thắng nhanh do không có đủ phương tiện để thực hiện các cuộc tấn công lặp đi lặp lại", một nguồn tin quân sự Mỹ phân tích.

Các số liệu tình báo quân sự Mỹ cho biết hiện Israel có 125 máy bay ném bom hiện đại F-15I và F-16I. Trong số này chỉ có khoảng 25 chiếc F-15I có thể mang bom phá boongke có điều khiển GBU-28, loại bom có khả năng công phá tốt nhất đối với các cơ sở hạt nhân ngầm được xây dựng rất kiên cố của Iran. Đó là chưa kể mỗi chiếc F-15I chỉ có thể mang được một quả bom phá boongke.

Vì vậy, nếu quyết định tấn công, Israel sẽ phải huy động cả các chiến đấu cơ F-16I để một mặt chống lại mạng lưới phòng không dày đặc của Iran, mặt khác yểm trợ cho các phi đội F-15I rút lui an toàn sau khi thả bom. Nhưng có một điểm cần lưu ý trong chiến dịch này là trong số những chiếc F-16I Israel đang sở hữu, chỉ có một số có khả năng tiếp liệu thông qua các máy bay tiếp dầu 707-KC và loại máy bay tiếp dầu này Israel cũng chỉ có 7-10 chiếc.

Chiến dịch đột kích “Iran Entebbe”

Việc Israel khó có khả năng phá hủy chương trình hạt nhân của Iran chỉ bằng một cuộc tấn công, thậm chí cả trong những tình huống thuận lợi nhất, đã khiến các nhà chiến lược quân sự Mỹ cho rằng Israel sẽ thiên về lựa chọn giải pháp quân sự "trọn gói" thứ hai với tính chất cực kỳ nguy hiểm. Đó là cuộc đột kích "Iran Entebbe".

Theo kịch bản này, Israel sẽ từ bỏ ý định tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn. Thay vào đó, Nhà nước Hồi giáo sẽ thực hiện một cuộc đột kích đường không có nguy cơ cao nhưng hứa hẹn mang lại những kết quả rất khả quan.

Mục tiêu của chiến dịch là cho một đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng biệt kích Sayeret Matkal nhảy dù xuống gần nhà máy làm giàu urani Fordow ở thành phố Qom. Đơn vị biệt kích (hoặc các đơn vị đặc biệt tương tự khác) gồm 400 người sẽ xông vào đánh chiếm kho nhiên liệu urani đã được làm giàu rồi chuyển chúng về Israel.

Diễn biến cuộc đột kích sẽ được tiến hành cụ thể như sau: Trước hết, lực lượng đặc công Israel sẽ được vận chuyển trên 3 hoặc nhiều nhất là 6 máy bay vận tải C-130 (mỗi chiếc có công suất chuyên chở 70 người/chuyến) di chuyển tới Iran dưới sự hộ tống đông đảo của các máy bay F-16I được trang bị các loại vũ khí tối tân. Những chiếc C-130 sau đó sẽ hạ cánh trong sa mạc gần căn cứ Fordow để giúp đặc công Israel nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ được trang bị các loại vũ khí hạng nặng xung quanh nhà máy. Tiếp đó, các đặc công sẽ xâm nhập vào nhà máy, bắn chặn tất cả các đơn vị đối phương trong vùng lân cận trước khi đánh chiếm kho nhiên liệu urani và quay trở về Israel. Trước khi rút lui, đặc công Israel sẽ đánh bom phá hủy nhà máy của Iran.

Tuy nhiên, thành công của cuộc đột kích sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: từ việc đảm bảo khả năng bí mật, bất ngờ; tuân thủ chặt chẽ kế hoạch, tốc độ đột kích; khả năng tinh nhuệ của các đặc công; sự phối hợp ăn ý của lực lượng tham gia đến độ tin cậy của các thông tin tình báo. Theo một chuyên gia hoạch định chiến tranh của Lầu Năm Góc, hiện Israel đã tiếp cận rất sâu các nguồn tin về quân đội Iran cũng như các chính sách của lực lượng này. Tuy chỉ có điều, Israel chưa sẵn sàng chia sẻ những thông tin tối mật mà họ đang có với giới chức tình báo Mỹ.

Lật đổ chế độ

Kịch bản thứ ba này có lẽ là lựa chọn ít nguy hiểm nhất, dù mức độ khả thi còn là điều phải bàn cãi.

"Người Israel có thể sẽ hài lòng nếu lật đổ được các nhà lãnh đạo Iran, điều mà họ không thể làm được nếu quyết định tiến hành không kích hay một cuộc đột kích bằng đường không với các đơn vị đặc công", một chuyên gia chiến tranh của Lầu Năm Góc nhận định.

Tuy nhiên, điều bất lợi của một cuộc tấn công tiêu diệt chế độ là không chấm dứt được chương trình hạt nhận của Iran. Về ưu điểm, lựa chọn này có thể kích hoạt một cuộc tấn công đáp trả của Iran nhằm vào các mục tiêu quân sự Mỹ trong khu vực và đây là cách tốt nhất để lôi kéo Mỹ cùng tham gia tấn công Iran. Nói cách khác, Washington sẽ bị buộc phải tham gia vào một cuộc xung đột mà không phải là kẻ gây chiến.

Nhưng làm thế nào để quân đội Mỹ đáp trả cuộc tấn công của Iran? Đây là điều không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn, ngay cả các nhà hoạch định chiến tranh của Lầu Năm Góc.

“Nếu Iran quấy rối chúng tôi, chúng tôi sẽ biết cách kiềm chế. Nhưng nếu họ tấn công nhằm vào một trong những con tàu chiến lược nhất của chúng tôi, không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra”, một nhà phân tích nói.

“Trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ không phát động một cuộc chiến lớn và tốn kém trên thực địa chống chế độ Tehran. Nhưng nếu buộc phải hành động, Washington sẽ chọn giải pháp không kích  để làm suy kiệt khả năng quân sự của Iran, bao gồm cả chương trình hạt nhân của nước này”, một thành viên khác trong nhóm hoạch định cho biết.

Nếu xét tổng hòa mọi khía cạnh, một chiến dịch lật đổ chế độ ở Iran sẽ đào sâu hố ngăn cách giữa chính quyền Obama và chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Vì vậy, dù hiện tại chưa có bất kỳ quyết định đáng tiếc nào được đưa ra, nhưng giọng điệu hiếu chiến của Tel Aviv thời gian qua đã khiến nhiều tướng lĩnh của Mỹ tỏ ra mệt mỏi. Giới tướng lĩnh Mỹ ngày càng tỏ ra oán giận ông Netanyahu vì ông đang tìm mọi cách gây áp lực và xúi giục Mỹ tiến hành một cuộc chiến không mong muốn.

“Cam kết của chúng tôi đối với Israel rất mạnh mẽ. Đây cũng là cam kết của Mỹ đối với tất cả các đồng minh của mình. Tuy nhiên, cam kết này là để Ixraen tự bảo vệ mình chứ không phải là để gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, Trung tướng về hưu Robert Gard thẳng thắn chia sẻ.

Việt Giang

Đón đọc kỳ 3: Israel có thể triệt thoái hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm