1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba giây định mệnh trong vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bị ám sát

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đội cận vệ và lực lượng an ninh bảo vệ ông Abe Shinzo đang trở thành tâm điểm chú ý, do những nghi vấn về sự phản ứng chậm khi cựu Thủ tướng Nhật Bản bị ám sát.

Ba giây định mệnh trong vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bị ám sát - 1

Nghi phạm ở khoảng cách rất gần ông Abe khi mang theo khẩu súng tự chế (Ảnh chụp màn hình: Nippon TV 24).

Theo Nikkei, sau sự kiện cựu Thủ tướng Abe bị ám sát khi đang vận động tranh cử hôm 8/7 trên đường phố Nara, hoạt động an ninh được triển khai tại sự kiện đang được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ.

Các câu hỏi đặt ra là bằng cách nào mà nghi phạm có thể tiến tới gần ông Abe như vậy và vì sao các nhân viên an ninh không hành động nhanh chóng để bảo vệ ông Abe trong khoảng thời gian 3 giây giữa phát súng đầu tiên và phát súng thứ 2.

Đoạn video quay lại hiện trường vụ tấn công hôm 11h30 ngày 8/7 (giờ địa phương) cho thấy, nghi phạm Tetsuya Yamagami áp sát ông Abe ở khoảng cách vài mét và tiếng súng đầu tiên vang lên.

Phát súng này đã khiến ông Abe theo phản xạ quay lại vì ngạc nhiên. Đúng 3 giây sau, một phát súng khác vang lên và nhà cựu lãnh đạo đổ gục xuống đường.

Một điểm mà các chuyên gia để ý trong đoạn video là trong 3 giây nói trên, dường như không có sự xuất hiện của cảnh sát hay lực lượng an ninh gần ông Abe. Về mặt nguyên tắc, theo Nikkei, các cận vệ thường có nhiệm vụ và đã được huấn luyện bài bản để phản ứng nhanh, biến thành rào chắn để bảo vệ nhân vật quan trọng khi tình huống nguy hiểm xảy ra. Câu hỏi đặt ra là, trong 3 giây giữa 2 phát súng, lực lượng an ninh vì sao lại không có phản ứng ngay lập tức? Và nếu họ có phản ứng kịp thời trong 3 giây đó, liệu ông Abe có bị trúng đạn hay không?

Có một sĩ quan cố gắng kích hoạt chiếc túi mà người này xách theo - đây được xem là lá chắn chống đạn, nhưng người này không kịp hành động trước tiếng súng thứ 2.

Lực lượng an ninh bảo vệ cho ông Abe trong suốt sự kiện và 3 giây định mệnh nói trên là lực lượng từ sở Cảnh sát đô thị Tokyo và cơ quan Cảnh sát Nara. 

Nghi vấn thiếu chuẩn bị về mặt an ninh

Ba giây định mệnh trong vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bị ám sát - 2

Lực lượng an ninh được cho là phản ứng không đúng chuẩn và không tuân theo quy trình trong vụ ông Abe bị ám sát hôm 8/7 (Ảnh: Reuters).

Một chuyên viên giấu tên của sở Cảnh sát đô thị Tokyo - người từng có kinh nghiệm bảo đảm an ninh cho các sự kiện vận động tranh cử - cho rằng, sự việc diễn ra tại Nara dường như cho thấy sự thiếu chuẩn bị đầy đủ của lực lượng an ninh. Theo cảnh sát Nara, lịch trình phát biểu của ông Abe được công bố hôm 7/7 và vài giờ trước khi sự kiện diễn ra vào ngày 8/7, người đứng đầu sở Cảnh sát Nara mới phê duyệt kế hoạch an ninh.

Phía cảnh sát Nara khẳng định, họ có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc bảo vệ an toàn ở sự kiện, nhưng các đoạn video ở hiện trường cho thấy lực lượng an ninh đã bỏ trống một khoảng lớn mà không canh gác ở phía sau ông Abe. Theo Nikkei, nó được gọi bằng thuật ngữ "điểm mù".

"Vấn đề ở chỗ là các cận vệ cho phép một người mang vật khả nghi tiến đến gần ông Abe. Họ lẽ ra nên xem xét có bất cứ điểm mù nào xung quanh khu vực ông Abe phát biểu hay không và phải kiểm tra khu vực để xem có ai mang theo vật khả nghi như bom hay không", chuyên viên ở sở Cảnh sát Tokyo nhận định.

Koichi Ito, cựu quan chức tại sở Cảnh sát đô thị Tokyo cho rằng, phản ứng của lực lượng an ninh sau phát súng đầu tiên là một vấn đề lớn.

Theo ông Ito, nguyên tắc cơ bản nhất của cảnh sát và cận vệ trong một nhiệm vụ bảo vệ là phải che chắn và đưa ngay nhân vật quan trọng ra khỏi hiện trường khi có tình huống bất thường xảy ra. Điều này không được thực thi trong 3 giây kể từ phát súng đầu tiên.

"Kể cả những tình huống bất thường là một báo động giả đi nữa, thì phản ứng ban đầu là rất cần thiết. Phản ứng của lực lượng an ninh trong vụ ông Abe bị ám sát là có vấn đề", ông Ito nhận định.

Mặt khác, các bài phát biểu vận động tranh cử ở Nhật Bản thường được công bố trước lịch trình trên các phương tiện truyền thông để thu hút đám đông lớn cử tri tham gia.

Trong khi đó, các cuộc tiếp xúc cử tri ở Mỹ thường diễn ra ở khán phòng hay sân vận động và điều này giúp lực lượng an ninh dễ kiểm soát khán giả hơn - ví dụ như kiểm tra túi của mọi người để phát hiện ra vũ khí khi họ đi vào khán phòng.

Tại Nhật Bản, các chính trị gia thường xuất hiện trên đường phố để tạo cảm giác gần và thân thiện hơn với cử tri.

Theo chuyên gia Takuma Ohamazaki, cách các chính trị gia Nhật Bản tiến hành vận động tranh cử sẽ cần phải được xem xét lại sau vụ ông Abe bị ám sát.

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm