1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Azerbaijan và Armenia nhất trí ngừng bắn sau giao tranh đẫm máu

(Dân trí) - Azerbaijan và Armenia ngày 5/4 đã nhất trí một lệnh ngừng bắn ngay tức thì sau 3 ngày giao tranh ác liệt tại khu vực Nagorno-Karabakh, vốn cướp đi sinh mạng của ít nhất 34 người và khiến 200 người khác bị thương ở cả hai phía.


Chiến sự đã bùng phát tại Nagorno-Karabakh hôm 2/4 (Ảnh: Reuters)

Chiến sự đã bùng phát tại Nagorno-Karabakh hôm 2/4 (Ảnh: Reuters)

Azerbaijan trước đó đã thông báo một lệnh ngừng bắn đơn phương. Nhưng lệnh ngừng bắn hôm qua là khác biệt do có sự nhất trí của cả hai bên.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ra một tuyên bố nói rằng chiến sự đã ngừng dọc giới tuyến vào lúc 11 giờ sáng giờ Moscow. Ông David Babayan, người đứng đầu cơ quan quốc phòng của vùng ly khai Nagorno-Karabakh, đã xác nhận thông tin này và cho biết tình hình đang ổn định trở lại.

Tuy nhiên, cả hai bên dường như vẫn trong tình trạng sẵn sàng nếu giao tranh lại nổ ra. Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov đã đe dọa tấn công Stepanakert, một thành phố với khoảng 50.000 dân và là thủ phủ của nước cộng hòa chưa được quốc tế công nhận, nếu phe ly khai tại Nagorno-Karabakh “không ngừng nã pháo vào các cơ sở của chúng tôi”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan cáo buộc các lực lượng Azerbaijan đã sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm vào các mục tiêu dân thường.

Azerbaijan cho biết 16 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng trong giao tranh kể từ ngày 2/4. Trong khi đó, lực lượng ky khai được Armenia hậu thuẫn nói 18 binh sĩ của họ đã thiệt mạng. Các dân thường cũng thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.


Bản đồ vùng Nagorno-Karabakh (Đồ họa: BBC)

Bản đồ vùng Nagorno-Karabakh (Đồ họa: BBC)

Các cuộc đụng độ dữ dội bùng phát đã bùng phát giữa người Azerbaijan và người Armenia hôm 2/4 tại khu vực Nagorno-Karabakh. Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện khu vực này kết thúc năm 1994.

Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ thuộc Azerbaijan. Nhưng dân cư Nagorno-Karabakh đa số là người Armenia, được hỗ trợ bởi Cộng hòa Armenia, chống lại Cộng hòa Azerbaijan. Vào tháng 12/1991, cộng đồng Armenia chiếm đa số bỏ phiếu tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh vào tháng 1/1992. Tuy nhiên, Cộng hòa Nagorno-Karabakh không được quốc tế công nhận.

Các cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh đầu những năm 1990 đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các bên tham chiến đến nay vẫn không ký hiệp định hòa bình, cho dù chấp thuận ngừng bắn năm 1994. Cho đến nay, các bên vẫn chưa đi đến một giải pháp lâu dài cuộc xung đột, bất chấp các nỗ lực trung gian do Nga, Pháp và Mỹ đứng đầu.

An Bình

Theo BBC