Australia xin lỗi về vụ bê bối tình dục trong quân đội
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đã thay mặt chính phủ đưa ra lời xin lỗi chung tới các nạn nhân của vụ bê bối tình dục và những vụ lạm dụng khác trong Lực lượng quân đội Australia (ADF) trước Quốc hội ngày 26/11.
Bộ trưởng Stephen Smith: “Tôi rất tiếc phải nói lời xin lỗi tới các bạn”.
“Thay mặt Chính phủ Australia tôi xin nói lời xin lỗi tới những phụ nữ và nam giới hiện phục vụ trong Lực lượng quân đội Australia hay làm việc trong Bộ Quốc phòng từng bị lạm dụng tình dục hay những lạm dụng khác,”, Bộ trưởng Smith nói trước Quốc hội. Ông còn nói thêm: “Các bạn sẽ không bao giờ phải chịu đựng những vụ việc tương tự. Một lần nữa, tôi xin lỗi”.
“Việc những nam nữ thanh niên phải chịu đựng các vụ lạm dụng tình dục, tinh thần cũng như thể xác từ các đồng nghiệp trong quân ngũ là không thể chấp nhận được và không phản ánh đúng các giá trị về một xã hội Australia hiện đại, đa dạng và dung thứ”, Bộ trưởng Smith nói khi đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân trước Quốc hội.
Đối mặt với một bản báo cáo dài với hàng trăm cáo buộc lạm dụng tình dục và bị cưỡng hiếp trong quân đội, Bộ trưởng Stephen Smith đã phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm độc lập để điều tra vụ việc và quyết định bồi thường. Báo cáo do công ty luật DLA Piper soạn thảo.
Lực lượng này cũng chịu trách nhiệm thực thi cơ chế bồi thường cho các nạn nhân với số tiền lên tới 50.000 AUD (52.000 USD) và sẽ do cựu thẩm phán Tòa án tối cao Tây Australia Len Roberts-Smith đứng đầu. Vụ việc đầu tiên được đề cập trong báo cáo là vụ một cậu bé 13 tuổi bị lạm dụng tình dục năm 1951, còn chủ yếu là các vụ xảy ra trong năm 2011.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã phải đưa ra lời xin lỗi nói trên sau khi một báo cáo độc lập được công bố gây chấn động với cái tên “Vụ bê bối Skype” năm 2011, trong đó nêu điển hình vụ những hình ảnh video về cảnh nóng của một nam tân binh với một nữ đồng nghiệp trong lớp huấn luyện được truyền trực tiếp qua mạng tới các học viên sĩ quan ở một phòng khác mà nhân vật nữ trong phim không hề biết. Vụ việc xảy ra tháng 4/2011 tại Học viện quân sự Australia.
Bản báo cáo còn nêu chi tiết 24 vụ hãm hiếp chưa từng bị đưa ra xét xử trước tòa trong số hơn 1.000 cáo buộc lạm dụng tình dục và những thứ khác trong quân đội Australia từ những năm 1950 tới ngày nay, liên quan tới cả các quân nhân nam và nữ.
Về các cáo buộc hãm hiếp, báo cáo cho biết “từ những năm 1950 tới đầu những năm 1980, rất nhiều cậu bé tuổi từ 13 đến 16 mới được tuyển vào lực lượng quân đội đã phải chịu đựng các vụ lạm dụng nghiêm trọng về thể xác cũng như tình dục”. Độ tuổi nhập ngũ tối thiểu hiện nay ở Australia được giới hạn là 17.
Quốc Minh
Theo AFP