Australia vạch "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc ở Solomon
(Dân trí) - Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo rằng, một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại quần đảo Solomon, nếu xảy ra, sẽ là "lằn ranh đỏ" không thể chấp nhận được.
"Làm việc cùng với các đối tác của chúng tôi ở New Zealand và Mỹ, tôi đồng tình với lằn ranh đỏ mà Mỹ đã nêu ra khi đề cập đến vấn đề này", Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết hôm nay 24/4.
"Chúng tôi sẽ không để Trung Quốc đặt các căn cứ hải quân của họ trong khu vực ngay trước cửa nhà mình", ông Morrison nói thêm.
Solomon, quần đảo nhỏ cách bờ biển đông bắc Australia khoảng 2.000 km, đã khiến cộng đồng quốc tế chú ý vào tuần trước khi ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Australia, New Zealand và Mỹ lo ngại thỏa thuận này có thể cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở cửa ngõ của Australia.
Ngoài ra, nội dung thỏa thuận cho thấy Trung Quốc cũng được phép "thực hiện các chuyến thăm cảng, tiếp tế hậu cần và nhiên liệu tại quần đảo Solomon".
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare khẳng định việc thiết lập thỏa thuận với Trung Quốc là cần thiết để tăng cường an ninh và đảm bảo "lợi ích quốc gia" của quần đảo này. Tuy nhiên, tuần trước, ông Sogavare tuyên bố thỏa thuận không cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự trên tại Solomon. Bắc Kinh cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
"Ông Sogavare đã nhấn mạnh lại các đảm bảo cụ thể rằng sẽ không có căn cứ quân sự, hiện diện quân sự lâu dài hay khả năng phô diễn sức mạnh quân sự. Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến với sự tham vấn các đối tác trong khu vực", Nhà Trắng cho biết.
Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand cho biết hiệp ước đã đặt ra "những rủi ro nghiêm trọng đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Trong khi đó, Nhà Trắng cảnh báo "nếu Trung Quốc thực hiện các bước để thiết lập hiện diện quân sự thường trực, Mỹ sẽ có những lo ngại đáng kể và sẽ đáp trả tương xứng".
Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell và Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Kritenbrink tuần trước đã dẫn đầu phái đoàn công du một số quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có Solomon.
Trong thông cáo ngày 22/4, Nhà Trắng cho biết, một phái đoàn cấp cao của Mỹ đã nói với giới chức quần đảo Solomon rằng thỏa thuận an ninh mà họ ký kết gần đây với Trung Quốc "có tác động tiềm tàng về an ninh khu vực" đối với Mỹ và các đồng minh.
Hồi tháng 2, Mỹ thông báo khánh thành đại sứ quán ở Solomon sau khi nắm được thông tin rằng Trung Quốc dường như muốn thiết lập quan hệ quân sự với quốc đảo này.
Thông tin về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Australia mở rộng ngân sách quân sự và hợp tác với đồng minh Mỹ và Anh trong thỏa thuận an ninh AUKUS. Australia dự kiến sẽ được hỗ trợ hạm đội 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân, động thái khiến Trung Quốc mạnh mẽ phản đối vì cho rằng nó có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Solomon và Trung Quốc đang ngày càng nâng cao quan hệ an ninh. Năm 2019, Solomon đã cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.