1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Australia ngày càng có nhiều động thái thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông khi quan hệ song phương rơi vào trạng thái căng thẳng.

Australia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Các tàu của Mỹ và Australia diễn tập chung tại Biển Đông hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại khu vực này. Ngày 22/7, Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa và dừng toàn bộ hoạt động tại lãnh sự quán ở thành phố Houston. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng việc yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Thành Đô.

Những động thái trên đã cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều học giả và nhà bình luận thậm chí lo ngại về nguy cơ xảy ra “chiến tranh lạnh mới” giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, Australia, một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào ngày 23/7. Công hàm của Australia bác bỏ bất kỳ yêu sách nào, bao gồm “quyền lịch sử” cũng như “quyền và lợi ích hàng hải” do Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông, là không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Australia, đây có lẽ là công hàm ngoại giao cứng rắn nhất của Australia nhằm vào Trung Quốc sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972.

Công hàm Biển Đông

Trong khi mọi sự tập trung đều dồn vào mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trên thực tế cũng trải qua thời kỳ lạnh nhạt chưa từng có tiền lệ.

Trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc, Australia tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý khi vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh các đảo ngoài khơi ở Biển Đông. Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, song Australia từ lâu đã lo ngại về quyền tự do hàng hải, hòa bình và ổn định tại vùng biển này.

Trước đây, Australia chọn cách kín tiếng và giữ thái độ trung lập. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lập trường của Australia đối với vấn đề Biển Đông đã thay đổi đáng kể khi Canberra can dự nhiều hơn và thể hiện thái độ rõ ràng hơn. Ở cấp độ ngoại giao, Australia cũng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm gần đây.

Liên quan tới các hoạt động hàng hải, Australia thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và Philippines tại Biển Đông. Australia cũng điều các tàu chấp pháp tới Biển Đông và thăm các nước láng giềng trong khu vực.

Australia ngày càng cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông - 2

Một trực thăng quân sự của Australia đáp xuống tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ở biển Philippines trong cuộc diễn tập chung. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia)

Australia nhiều lần triển khai tàu tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài ra, máy bay Poseidon của Australia cũng thường xuyên tiến hành các nhiệm vụ trinh sát tại vùng biển này, cung cấp các thông tin tình báo quan trọng về các hoạt động tại đây.

Công hàm của Australia gửi Liên Hợp Quốc đã đánh dấu việc Canberra từ bỏ hoàn toàn lập trường trung lập đối với các tranh chấp liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán tại Biển Đông.

Anh gần đây thông báo không sử dụng các thiết bị 5G của Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, một phần xuất phát từ các lý do “địa chính trị” sau khi chịu sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do vậy, một điều dễ hiểu là Australia, một đồng minh truyền thống khác của Mỹ, cũng sẽ đứng về phía lập trường của Washington và trong trường hợp này là vấn đề Biển Đông.

Ngoài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quyền và lợi ích hàng hải, Australia cũng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc.

Tính toán của Australia

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, động thái của Australia dường như liên quan nhiều hơn tới các tính toán chính trị thực tế.

Trung Quốc và Australia rõ ràng đã sụt giảm lòng tin vào nhau và điều này đã dần ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Australia hồi tháng 4 tuyên bố ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của đại dịch Covid-19. Đáp lại, Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu và áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm thịt và lúa mạch của Australia vào tháng 5, đồng thời cảnh báo công dân Trung Quốc không nên đi lại và học tập tại Australia.

Sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, Australia đã đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với đặc khu hành chính này. Đầu tháng 7, các tàu chiến của Australia khi đang hoạt động tại Biển Đông đã chạm trán với các tàu chiến của hải quân Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Điều Australia lo ngại nhất là vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông. Để những hoạt động tự do hàng hải không bị ảnh hưởng trong khu vực, sự thay đổi về chính sách của Canberra dường như xuất phát nhiều hơn từ những nỗ lực của nước này trong việc duy trì và củng cố trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu, trên cơ sở liên minh tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo cây bút James Massola của báo Sydeny Morning Herald, tranh chấp trên Biển Đông có thể ảnh hưởng tới các lợi ích quốc gia của Australia. Nếu Trung Quốc giành quyền kiểm soát Biển Đông, Bắc Kinh có thể sẽ ngăn chặn các hoạt động thương mại toàn cầu diễn ra tại vùng biển này. Khi đó, việc xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Australia tới Nhật Bản có thể sẽ gặp khó khăn.

Ngoài ra, nguồn cá tại Biển Đông đang đối mặt với sức ép khai thác ngày càng tăng. Điều này có thể khiến các nước mở rộng phạm vi khai thác của họ xuống các vùng biển gần Australia.