1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia công bố gói 94,5 triệu AUD hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long

Quốc Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Penny Wong sáng 22/8 công bố khoản hỗ trợ 94,5 triệu AUD từ chính phủ Australia cho các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm tới.

Australia công bố gói 94,5 triệu AUD hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long - 1

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (phải), chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Australia Penny Wong vào sáng 22/8 (Ảnh: Quốc Đạt).

"Đây là ví dụ cụ thể về cách chúng ta đang hợp tác với nhau để giải quyết thách thức chung là biến đổi khí hậu", Ngoại trưởng Wong nói tại Diễn đàn Việt Nam - Australia diễn ra tại Hà Nội vào sáng 22/8.

Gói hỗ trợ với tổng trị giá 94,5 triệu AUD (tương đương 60,6 triệu USD) gồm 4 thành tố, trong đó giá trị lớn nhất là chương trình xây dựng trung tâm chia sẻ kiến thức về thích ứng trước biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (75 triệu AUD), được thực hiện trong các năm 2024-2034.

Trung tâm này là nơi các chuyên gia Australia và Việt Nam cùng hợp tác để thúc đẩy nỗ lực thích ứng của cộng đồng, doanh nghiệp và các lãnh đạo là nữ giới.

Các thành tố khác bao gồm sáng kiến khuyến khích chuyển sang công nghệ canh tác lúa gạo bền vững ở ĐBSCL (15 triệu AUD), hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của phụ nữ (2,5 triệu AUD), và hợp tác trong ngành nước giữa 2 quốc gia (2 triệu AUD).

Ngoài hợp tác biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, quan chức Australia sẽ tới Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về chính phủ điện tử, theo thông cáo báo chí từ Trung tâm Việt Nam - Australia.

Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia được đánh giá là tích cực trong những năm qua. Hồi tháng 11/2022, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cùng thông báo về việc xem xét nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Thương mại song phương tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022, đạt mức kỷ lục 23,5 tỷ AUD năm 2022. Chính phủ Australia đã tăng thêm 18% viện trợ ODA cho Việt Nam, lên 92,8 triệu AUD trong giai đoạn 2022-2023.

Australia công bố gói 94,5 triệu AUD hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long - 2

Quang cảnh sự kiện Diễn đàn Việt Nam - Australia với chủ đề "Hợp tác khu vực trong một thế giới đang thay đổi" (Ảnh: Quốc Đạt).

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trong số các nước có sinh viên du học tại Australia. Tính đến tháng 12/2022, có hơn 22.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục Australia, theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia.

Theo bà Wong, khoản hỗ trợ được công bố sáng 22/8 là "sự bổ sung" vào gói hỗ trợ 105 triệu AUD mà Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đưa ra trong chuyến thăm tháng 6 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển dịch năng lượng.

Lợi ích chính trị gần nhau

Tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định Việt Nam "lựa chọn hợp tác khu vực để cùng với các nước có quan điểm tương đồng ứng phó với những cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự áp đặt phi lý của các nước lớn".

Ông cũng nhấn mạnh 50 năm quan hệ Việt Nam - Australia đã đạt nhiều "bước nhảy vọt", nhất là trong 15 năm qua.

"Tuy thành phố Hà Nội cách thành phố Canberra hơn 4.800 dặm, nhưng niềm tin chính trị sâu sắc và sự tăng cường giao lưu đã trở thành cầu nối rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai nước chúng ta", ông Thắng nói.

Đồng tình với nhận định trên, bà Penny Wong cho rằng 2 nước có thể cách nhau hàng nghìn km nhưng lại có lợi ích chính trị gần nhau, đó là lợi ích về một khu vực vận hành theo luật lệ, tiêu chuẩn và thông lệ.

"Lợi ích của chúng ta nằm ở một khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, nơi mà mọi quốc gia dù lớn hay bé đều có thể tự quyết định vận mệnh của mình", Ngoại trưởng Wong nói.

Cả ông Nguyễn Xuân Thắng và bà Penny Wong đều nhấn mạnh niềm tin chiến lược đóng vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ không chỉ giữa Việt Nam và Australia, mà còn là giữa các nước trong khu vực với nhau và trên cộng đồng quốc tế.