1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, phớt lờ cảnh báo của Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan đã ký phê chuẩn Quy chế Rome, công nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), bất chấp cảnh báo của Nga.

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế, phớt lờ cảnh báo của Nga - 1

Tổng thống Vahagn Khachaturyan đã ký văn bản thể hiện việc Armenia công nhận quyền tài phán của ICC trên lãnh thổ nước này (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Armenia).

Văn phòng Tổng thống Armenia hôm 14/10 tuyên bố ông Khachaturyan đã ký văn bản "công nhận hồi tố thẩm quyền Tòa án Hình sự Quốc tế".

Trước đó, các nhà lập pháp Armenia đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập ICC vào đầu tháng này.

Việc Yerevan xúc tiến gia nhập ICC khiến Moscow tức giận khi ICC - tòa án có trụ sở tại La Haye, Hà Lan - đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin liên quan tới cáo buộc trục xuất trái phép trẻ em Ukraine sang Nga.

Các thành viên của ICC được kỳ vọng có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt giữ nếu ông Putin đặt chân lên lãnh thổ của họ.

Tổng thống Khachaturyan ký phê chuẩn hiệp định gia nhập ICC sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bỏ qua hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của ông Putin ở Kyrgyzstan trong tuần này.

Armenia cho biết việc gia nhập ICC sẽ cho phép họ điều tra cái họ gọi là "tội ác chiến tranh" của Azerbaijan sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Baku nhằm chiếm lại Nagorno-Karabakh hồi tháng 9.

Nagorno-Karabakh là khu vực được quốc tế công nhận là của Azerbaijan nhưng từng có hơn 100.000 người gốc Armenia sinh sống và do chính quyền tự xưng thân Yerevan kiểm soát.

Sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan, đại đa số người dân ở Nagorno-Karabakh đã bỏ nhà ra đi để rời đến Armenia. Chính phủ tự xưng cũng tuyên bố giải thể từ ngày 1/1/2024.

Mối quan hệ giữa Moscow và Yerevan đã trở nên xấu đi kể từ chiến dịch quân sự của Baku, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không can thiệp.

Theo AFP