1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Arab Saudi: “Cơn bốc đồng” tai hại của Phó Hoàng Thái tử

Sự leo thang đối đầu giữa Arab Saudi và Iran trong những ngày đầu năm mới 2016 khiến dư luận băn khoăn về một cuộc xung đột kéo dài trong khu vực Trung Đông giữa hai thế lực kình địch: Phái Hồi giáo Sunni do Arab Saudi dẫn đầu, và Hồi giáo Shiite do Iran làm chủ soái.

Việc Arab Saudi bỗng dưng "đổ xăng vào lửa” được cho là có chủ đích và do một người gây ra: Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud - người con trai 30 tuổi của Vua Salman của Arab Saudi.

Cuối tháng 12-2015, Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) đã bất ngờ tung ra một bản báo cáo tình báo "giật gân" chỉ vỏn vẹn một trang rưỡi giấy A4. BND đã gọi chính sách đối ngoại mới mà Phó Hoàng thái tử Bin Salman theo đuổi là "chính sách can thiệp bốc đồng", có nghĩa là một chính sách thiếu chín chắn, thiếu sự cân nhắc trước sau.

Trong báo cáo, BND đã mô tả tác giả của chính sách bốc đồng đó là một kẻ "đánh bạc chính trị", kẻ gây bất ổn định cho cả khu vực Trung Đông bằng việc tiến hành các cuộc chiến ủy nhiệm ở cả Yemen và Syria. Cũng đúng, bởi dù sao thì Phó Hoàng thái tử Arab Saudi cũng còn quá non trẻ khi tham gia cuộc chơi lớn trong khu vực.

Arab Saudi: “Cơn bốc đồng” tai hại của Phó Hoàng Thái tử - 1

Phó Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman al-Saud.

Báo cáo tình báo của BND khiến dư luận ngạc nhiên bởi nó khác với thông lệ của các cơ quan tình báo - không tung ra các báo cáo nhận xét về chính phủ các nước, nhất là các đồng minh thân cận - đồng thời do nó cung cấp những thông tin đáng chú ý về giới chức lãnh đạo của một trong những cường quốc hàng đầu khu vực Trung Đông đầy sóng gió.

Bởi thế, báo cáo của BND lập tức được lan truyền nhanh chóng và đã tác động đến Hoàng gia Arab Saudi, khiến Riyadh phải lên tiếng phản đối, buộc Bộ Ngoại giao Đức phải nhanh chóng "gõ đầu" BND. Mặc dù vậy, lời cảnh báo của BND cũng đã phản ánh nỗi lo của nhiều người rằng Arab Saudi đang ngày càng khó đoán, khó hiểu và khó kiểm soát.

Quan hệ căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi được châm ngòi từ vụ việc Riyadh mang ra xử tử 47 người bị kết tội khủng bố, làm thánh chiến, trong đó có một số người Hồi giáo Shiite, đặc biệt là giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr, diễn ra vào ngày 2-1-2016.

Vụ hành quyết được xem là đã làm chấn động chính phủ các quốc gia Arập trong toàn khu vực, đặc biệt là nó đã được thực hiện nhằm mục đích khiêu khích chính quyền Iran theo dòng Hồi giáo Shiite, mà mục tiêu cao hơn là Arab Saudi giành lấy quyền lãnh đạo dòng Hồi giáo Sunni và thế giới Arab.

Đồng thời, Phó Hoàng thái tử Mohammed cũng muốn lợi dụng cơ hội này để kích động tinh thần dân tộc của thành phần Hồi giáo Sunni trong nước nhằm mục đích gia tăng quyền lực cho bản thân.

Trong báo cáo, BND liệt kê ra một loạt lĩnh vực trong đó Arab Saudi triển khai chính sách hung hăng và hiếu chiến.

Chẳng hạn, ở Syria, vào đầu năm 2015, Riyadh ủng hộ việc thành lập cái gọi là Army of Conquest (Quân đội Chinh phạt), ban đầu bao gồm các phần tử thuộc tổ chức Al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda và tổ chức có tư tưởng gần giống Al-Qaeda là Ahrar al-Sham.

Ở Yemen, Riyadh đưa không quân tham gia hỗ trợ quân đội Chính phủ Yemen trong cuộc chiến chống phiến quân Houthi do Iran ủng hộ. Cuộc nội chiến ở Yemen cho đến nay vẫn chưa thể xác định có thể kết thúc hay không.

Một điều chắc chắn mà giới chức an ninh thế giới nhìn thấy được đó là Al-Qaeda đang hưởng lợi từ cuộc chiến của Arab Saudi ở Yemen, vì Arab Saudi chỉ lo đối phó phiến quân Houthi và Iran mà bỏ quên các phần tử Al-Qaeda cũng đang tung hoành ở miền Nam Yemen.

Cho đến nay, tất cả những cuộc phiêu lưu ấy trong chính sách đối ngoại của Arab Saudi đều được hiểu rằng đó là "canh bạc" của Phó Hoàng thái tử Mohammed bin Salman, người được tôn xưng là "ngôi sao" ngay khi được vua cha tấn phong là Phó Hoàng thái tử và bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 1-2015.

Và điều đáng tiếc là những cuộc phiêu lưu ấy, trên bình diện quốc tế, đều bị cho là "thất bại", có nghĩa là không đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra. Nhưng ngược lại, chúng lại giúp Phó Hoàng thái tử Mohammed giành được sự ủng hộ trong nước.

Về điểm này, còn phải xét đến quyền lực của Vua Salman có ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho con trai ông. Nói gì thì nói, những động thái ngoại giao diễn ra trong cuộc đụng độ chính trị với Iran, như việc cắt quan hệ ngoại giao, đều bị xem là hành động nông nổi nhất thời của một người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm.

Nhưng như thế vẫn chưa hết. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Economist của Anh, Phó Hoàng thái tử Mohammed nói: "Một cuộc chiến giữa Arab Saudi với Iran sẽ là sự bắt đầu cho một thảm họa lớn trong khu vực. Chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho phép một điều như thế xảy ra”.

Giới quan sát ngay lập tức chộp lấy phát biểu nêu trên của Phó Hoàng thái tử Mohammed để đánh giá rằng, tuy ông thể hiện quan điểm đúng đắn như Hoàng gia Arab Saudi từng thể hiện trước đây, nhưng vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr vừa qua rõ ràng đã phản ánh một thực tế ngược lại: Arab Saudi đã hành động đơn phương trong một canh bạc vội vã; nó vừa thể hiện tính ngây thơ vừa ngạo mạn của Mohammed.

Giới phân tích nhận định, hành động đơn phương đó có nguyên nhân chính là do Riyadh thất vọng với việc Mỹ thỏa hiệp và ký kết hiệp ước hạt nhân toàn diện với Iran. Đến đây, giới phân tích đánh giá Riyadh có phần "non nớt" trong xử lý các mối quan hệ với đồng minh Mỹ.

Từ nhiều thập niên qua, các nhà lãnh đạo Arab Saudi luôn xem trọng mối quan hệ với đồng minh Mỹ và xem đó là chỗ dựa tốt nhất cho sự tồn vong của vương triều mình.

Lần này, cách xử sự không tốt đối với đồng minh Mỹ trong bối cảnh mới - thỏa hiệp với Iran, một đại đối thủ của Arab Saudi - đã khiến cho giới lãnh đạo trong khu vực bắt đầu nghi ngờ về năng lực hành động một cách chín chắn của Riyadh. Và đó chính là điểm yếu của Riyadh mà nếu Iran khai thác được sẽ tạo ra một kết cục không ngờ trong cuộc đối đầu hiện nay.

Theo An Châu/The Independent

An ninh thế giới