Áp lực gia tăng lên "tàu sân bay không bao giờ chìm" của Nga giữa lòng NATO
(Dân trí) - Việc NATO kết nạp Phần Lan khiến Kaliningrad, lãnh thổ của Nga ở Biển Baltic được mệnh danh là "tàu sân bay không bao giờ chìm", đối mặt với áp lực gia tăng.
Ngày 4/4, Phần Lan chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự. Diễn biến này khiến ranh giới trên bộ của NATO với Nga tăng từ 1.200km lên 2.550km, và ngày càng gia tăng áp lực lên Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga ở Biển Baltic.
Kaliningrad là một trong 46 khu vực hành chính của Nga, nhưng nằm tách biệt với các vùng khác của đất nước. Nó từng là một phần của Đức, nhưng sau Thế chiến II, khi phát xít Đức thua trận, khu vực này trở thành một phần của Liên Xô và ngày nay là Nga.
Theo Asia Times, Kaliningrad là vùng lãnh thổ của tầm quan trọng to lớn vì nó được ví như "tàu sân bay không thể chìm" của Nga giữa lòng NATO. Là một căn cứ quân sự, khu vực này có ý nghĩa chiến lược và là khu vực quan trọng với Nga trong việc hình thành khu vực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của họ tại khu vực Biển Baltic.
Ngoài ra, Kaliningrad cũng giáp hành lang Suwalki dài 60km, nối Ba Lan với các nước vùng Baltic. Đây được xem là khu vực dễ tổn thương của NATO. Nếu căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, quân đội và khí tài Nga hiện diện hùng hậu giữa lòng liên minh quân sự và sẵn sàng tham chiến. Vì vậy, Kaliningrad còn có khả năng răn đe với NATO.
Trong những năm gần đây, Nga đã hiện đại hóa và tăng cường lực lượng ở Kaliningrad. Năm 2020, Nga nâng cấp lữ đoàn bảo vệ khu vực này thành sư đoàn.
"Kaliningrad giống như một pháo đài nằm trên Biển Baltic, với rất nhiều tên lửa hành trình và các loại vũ khí khác, vì vậy nó là mối đe dọa", Steven Wills, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định.
Áp lực gia tăng
Vị trí chiến lược của Kaliningrad khiến nó trở thành mối đe dọa với NATO và cũng là một điểm yếu đối với Nga, chuyên gia Dmitry Gorenburg nhận định. Kaliningrad nằm trong lòng NATO nên nếu xung đột xảy ra, việc liên minh có thể cắt đứt nó với lục địa Nga xảy ra dễ dàng hơn.
Trong khi đó, St. Petersburg, một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga, được nối với Biển Baltic qua Vịnh Phần Lan, một tuyến đường thủy hẹp giáp với Phần Lan ở phía bắc và Estonia ở phía nam. Với việc Phần Lan gia nhập NATO, khu vực vịnh Phần Lan sẽ trở thành một nút thắt nếu kịch bản xung đột xảy ra. Khi đó, Nga sẽ bị hạn chế quá trình vận chuyển hàng hải và đối mặt với thách thức khi tiếp tế hoặc củng cố lực lượng tới Kaliningrad bằng đường biển.
Nếu Thụy Điển gia nhập NATO, Kaliningrad sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập cao hơn nữa. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng, Biển Baltic có thể trở thành "hồ riêng của NATO" nếu Thụy Điển vào liên minh.
"Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga với việc di chuyển từ St. Petersburg tới Kaliningrad và ngược lại. Vì vậy điều này sẽ có lợi cho NATO", Tướng Lục quân Mỹ Christopher Cavoli bình luận.
Mặt khác, sự kiểm soát của NATO đối với eo biển Đan Mạch - nối Biển Baltic với Đại Tây Dương và giáp với Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy - sẽ cho phép liên minh hạn chế hơn nữa các hoạt động của Hạm đội Biển Baltic của Nga.
"Hạm đội Biển Baltic của Nga có thể sẽ rơi vào tình huống giống như Hạm đội Biển Đen của Nga khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng eo biển Bosphorus (vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra)", ông Gorenburg cho hay.
Việc NATO kiểm soát Biển Baltic cũng khiến Hạm đội Phương Bắc của Nga đóng ở Bắc Cực rơi vào thế khó để có thể di chuyển tới Kaliningrad hỗ trợ khi cần.