1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động sản xuất tên lửa của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang mở rộng các cơ sở sản xuất động cơ đẩy nhiên liệu rắn, một bước tiền đề để tăng cường năng lực cung cấp tên lửa của nước này.

Ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động sản xuất tên lửa của Nga - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy Nga mở rộng cơ sở sản xuất động cơ tên lửa (Ảnh: Maxar).

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), vì cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí, cụ thể là sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, tại năm địa điểm liên quan.

Ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies trong báo cáo của IISS cho thấy công nghệ sản xuất này đang được phát triển. Nó còn cho thấy khả năng Nga sẽ cải tạo các cơ sở sản xuất thời Liên Xô và xây dựng cơ sở hạ tầng mới.

Nhu cầu tăng cường sản xuất tên lửa của Nga tăng sau khi quân đội nước này ghi nhận thiệt hại về vũ khí cao nhất hai năm vào đầu tháng này.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã mất gần 10.000 xe tăng, hơn 19.000 xe chiến đấu bọc thép, hơn 20.000 hệ thống pháo binh, khoảng 1.000 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, gần 20.000 UAV.

Một lý do khác khiến Nga phải tăng cường sản xuất tên lửa là Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo một quan chức Mỹ, các loại vũ khí này dự kiến được sử dụng chủ yếu ở Kursk, một tỉnh biên giới của Nga trong bối cảnh Moscow tìm cách đẩy lùi lực lượng quân sự Ukraine ở đây trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

Báo Le Figaro đưa tin Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ để tấn công bên trong nước Nga. Theo đó, Kiev được sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.

Vốn được sử dụng cho các loại vũ khí tầm ngắn phóng từ mặt đất của Nga, nhiên liệu rắn được dùng để "tạo lực đẩy trong tên lửa, rocket và các phương tiện hàng không vũ trụ khác" và được tạo thành từ hỗn hợp nhiên liệu và chất oxy hóa.

Các địa điểm được cho là nơi sản xuất hệ thống tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn bao gồm Biysk II, nhà máy Kamensky-Shakhtinsky, địa điểm nghiên cứu và phát triển Moscow-Dzerzhinsky, Perm và nhà máy Morozov.

Trước đây, Nga dường như đã nhận được viện trợ từ Trung Quốc để thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng. Giới chức chính quyền ông Biden gọi đây là sự mở rộng tham vọng nhất trong sản xuất quân sự kể từ thời Liên Xô của Nga. Moscow được cho là cũng nhận được tên lửa từ Iran và Triều Tiên.

Nga cũng tăng sản lượng vũ khí vào năm ngoái bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Họ đã sản xuất 1.500 xe tăng và 22.000 máy bay không người lái cho lực lượng vũ trang của mình. Sản phẩm quốc phòng được tăng cường sản xuất bao gồm các loại vũ khí cụ thể như xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, pháo binh, hệ thống tên lửa tiên tiến.

Các nguồn tin cho biết Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Nga trong những ngày tới bằng tên lửa có tầm bắn hàng trăm km, song không nêu rõ chi tiết.

Theo Newsweek