1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh và nhiều nước quyết mở cửa, giới khoa học lo bùng dịch trở lại

Thanh Thành

(Dân trí) - Anh và nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao đã quyết định mở cửa "sống chung với Covid-19" nhưng các nhà khoa học lo ngại việc này sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.

Anh và nhiều nước quyết mở cửa, giới khoa học lo bùng dịch trở lại - 1

Hành khách đeo khẩu trang đi lại tại một nhà ga ở thủ đô London, Anh ngày 12/7 (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/7 đã xác nhận chính phủ sẽ bãi bỏ các quy định hạn chế còn lại vào ngày 19/7 tới, gọi đó là "làn sóng thoát dịch" khỏi Covid-19. Dù cảnh báo đại dịch chưa kết thúc nhưng nhà lãnh đạo này khẳng định chính phủ Anh sẽ thận trọng chặt chẽ sau khi mở cửa.

Theo đó, từ ngày 19/7, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trong Vương quốc Anh bỏ quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, ngay cả ở các tàu điện ngầm, quán rượu và câu lạc bộ đêm chật kín những người chưa được tiêm vắc xin ở London.

Đây thực sự là một "canh bạc lớn" đối với Thủ tướng Johnson, nhất là trong bối cảnh biến chủng Delta vẫn rất nguy hiểm và lây lan mạnh. Giới truyền thông báo chí Anh đã gọi canh bạc cho "Ngày tự do" lần này của Thủ tướng Johnson là "vụ nổ lớn".

Tại cuộc họp báo xác nhận việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế vào tuần tới, Thủ tướng Johnson và các cố vấn khoa học của ông đã sử dụng một thuật ngữ mới - "làn sóng thoát dịch", nhằm ám chỉ rằng, đây có thể là đợt lây nhiễm cuối cùng ở Anh.

Trưởng Cố vấn khoa học cho chính phủ Anh Patrick Vallance gọi đây là "làn sóng bùng phát dịch cuối cùng của chúng tôi" và "làn sóng thoát dịch" chắc chắn nghe hay hơn làn sóng thứ 3, thứ 4 hoặc thứ 5.

Thủ tướng Johnson cho biết, chiến dịch tiêm chủng của Anh - thuộc nhóm nhanh nhất thế giới - đã phá vỡ phần lớn mối liên hệ giữa ca nhiễm bệnh và bệnh nặng hoặc tử vong. "Chúng tôi cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để mở cửa... Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần thận trọng vì đại dịch này vẫn chưa kết thúc", ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra thận trọng khi tuyên bố: "Tôi kêu gọi mọi người hãy tiếp tục nghĩ đến người khác và cân nhắc những rủi ro".

Dù là hình mẫu tiêm vắc xin tốt nhất trên thế giới, 1/3 trong số 67 triệu người sống ở Anh vẫn còn nguy cơ cao do họ chưa được tiêm đầy đủ hoặc đã bị nhiễm trước đó. Đây là những đối tượng dễ bị virus tấn công, đặc biệt là với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao và hiện đang thống trị ở Anh.

Các nhà khoa học Anh cho biết họ không thực sự chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong "làn sóng thoát dịch" vì họ không thể lường trước được người dân sẽ hành động như thế nào với những "Ngày tự do". Họ cảnh báo số ca nhiễm sẽ tăng lên, nhưng không rõ là sẽ tăng đột biến hay chỉ tăng chậm.

Không thể chủ quan

Đối phó với "làn sóng thoát dịch" không chỉ là thách thức của riêng nước Anh.
Sau khi chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt ở Hà Lan sau khi hầu hết các hạn chế được dỡ bỏ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuần trước đã lên tiếng xin lỗi vì "một sai sót trong nhận định" khi dỡ bỏ các biện pháp này.

Các ca nhiễm ở Hà Lan đã tăng 400% trong 2 tuần qua. Các ca nhiễm ở Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng hơn 200%. Con số nhiễm mới ở Đan Mạch và Anh đã tăng hơn 100%, trong khi ở Bồ Đào Nha và Bỉ là tăng gần gấp đôi. Tất cả đều là những nước đi đầu trong chiến dịch tiêm vắc xin.

Ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã kêu gọi các nước như Anh tạm hoãn kế hoạch mở cửa "để không đánh mất những lợi ích mà họ đã đạt được".