1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ánh sáng chói lòa và khoản tiền đen

Người lèo lái Chương trình Xác định hiểm họa từ Không gian (AATIP) suốt 5 năm quả quyết rằng có bằng chứng khiến ông không thể loại trừ khả năng vật thể bay ngoài hành tinh đã viếng thăm trái đất

Cựu giám đốc AATIP Luis Elizondo đã từ chức hồi tháng 10-2017 để phản đối việc giấu giếm quá mức về hoạt động nghiên cứu UFO (vật thể bay chưa xác định) của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông còn bất mãn với sự chống đối nội bộ sau khi chính phủ chính thức ngừng rót tiền cho chương trình này từ năm 2012.

Không hề xấu hổ, tiếc nuối

Trước khi dứt áo ra đi, người đứng đầu AATIP - vốn là một sĩ quan tình báo kỳ cựu - đã lặng lẽ dàn xếp để bảo đảm công bố được 3 trong số những video lạ lùng nhất trong kho bí mật của Lầu Năm Góc. Ba video này có các đoạn ghi hình thô về những lần giáp mặt giữa máy bay chiến đấu Mỹ với "phương tiện trên không bất thường" - cách gọi của quân đội về UFO.

Các đoạn video - được trích từ camera buồng lái máy bay - cho thấy có những vật thể bay giữa vầng hào quang chói lòa hay những UFO kỳ lạ xuất hiện lơ lửng trong không trung trước khi lao đi với tốc độ khiến các phi công Mỹ phải kinh ngạc hét lên.


Cựu giám đốc AATIP Luis Elizondo đã từ chức để phản đối việc giấu giếm chương trình này Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cựu giám đốc AATIP Luis Elizondo đã từ chức để phản đối việc giấu giếm chương trình này Ảnh: THE NEW YORK TIMES

"Tôi tin rằng có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy con người chúng ta không chỉ có một mình (trên trái đất)"- ông Elizondo nói khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 19-12, sau khi báo The New York Times tiết lộ về AATIP vài ngày trước đó khiến Lầu Năm Góc lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận sự tồn tại của chương trình bí mật này.

Nhấn mạnh rằng không thể phát ngôn thay mặt chính phủ nhưng người lèo lái AATIP suốt 5 năm quả quyết rằng có bằng chứng khiến ông không thể loại trừ khả năng vật thể bay ngoài hành tinh đã viếng thăm trái đất.

"Tại sao chúng ta không dành thêm thời gian và bỏ thêm công sức cho vấn đề này?" - ông Elizondo bày tỏ sự day dứt trong lá thư từ chức gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Trong khi đó, người bảo trợ của dự án AATIP, nghị sĩ Dân chủ Harry Reid - mới nghỉ hưu vào tháng 12 này – cho biết ông rất tự hào về AATIP: "Tôi không hề xấu hổ hay tiếc nuối về những gì mình đã làm. Tôi cho rằng đó là một trong những điều tốt nhất tôi từng làm trong sự nghiệp. Tôi đã làm thứ chưa ai làm trước đây". Ủng hộ dự án nhiều góc khuất này còn có 2 cựu nghị sĩ Ted Stevens và Daniel K. Inouye - thành viên cấp cao Tiểu ban Chi tiêu quốc phòng Mỹ, đều đã qua đời.

Theo ông Reid, người bạn tỉ phú Robert Bigelow (công ty Bigelow Aerospace của đại gia này về sau là đối tác chính của AATIP) đã khơi gợi sự quan tâm của ông với UFO. Reid cho biết năm 2007, Bigelow kể với ông rằng một quan chức Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) đã tiếp cận và muốn thăm trang trại của tỉ phú này ở Utah, nơi tiến hành một số nghiên cứu vũ trụ. Nắm được rằng giới chức DIA muốn bắt đầu một chương trình nghiên cứu UFO, ông Reid liền triệu tập hai đồng nghiệp Stevens và Inouye tới phòng kín tại đồi Capitol.

Nên điều tra nghiêm túc

"Tôi từng trò chuyện với John Glenn nhiều năm trước đây" - ông Reid nhớ lại, đồng thời đề cập tên của cựu nghị sĩ từ Ohio - từng là một nhà du hành vũ trụ - đã qua đời năm 2016. "Ông Glenn cho rằng chính phủ liên bang nên điều tra nghiêm túc về UFO và cần thiết phải nói chuyện cụ thể với những quân nhân, nhất là các phi công đã phản ánh họ nhìn thấy các vật thể bay không thể xác định hoặc không thể giải thích được" - ông nói.

Theo vị cựu nghị sĩ đến từ bang Nevada này, không phải binh lính nào bắt gặp UFO đều báo cáo. Bởi lẽ, nhiều người e ngại bị cười nhạo hoặc bêu riếu.

Trở lại cuộc gặp kín của 3 vị nghị sĩ ở đồi Capitol mà ông Reid cho rằng khó có thể tâm đầu ý hợp hơn, ông Stevens hào hứng: "Tôi đã đợi điều này từ khi còn ở trong không quân". Vị nghị sĩ bang Alaska này từng là phi công Không quân Mỹ, thực hiện các sứ mệnh vận tải qua Trung Quốc suốt Thế chiến II. Suốt cuộc gặp, ông Stevens say sưa kể lại lần bị chiếc máy bay lạ bám đuôi hàng dặm.

Cả 3 thượng nghị sĩ lúc đó đều không muốn tranh luận công khai ở Thượng viện Mỹ về việc cấp tiền cho chương trình. "Thế nên, nó được gọi là tiền đen. Stevens biết, Inouye biết và đó là điều chúng tôi muốn" - ông Reid nói về khoản ngân sách 22 triệu USD của Lầu Năm Góc cho chương trình bí mật này.

Tất nhiên, UFO không phải là nỗi ám ảnh của riêng người Mỹ. Liên Xô trước đây cũng từng tiến hành những cuộc điều tra riêng về các phi thuyền có khả năng đến từ ngoài trái đất. Ngày nay, người ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những bản tin về các trường hợp phản ánh nhìn thấy UFO khó tin trên truyền thông Nga.

Đội lốt UFO

Những lần chạm mặt của quân đội Iran với UFO thậm chí còn xảy ra chết chóc. Từ năm 2004, phi công chiến đấu cơ Iran thường xuyên truy đuổi những vật thể bay bí ẩn mà nhiều nhà quan sát ngờ rằng đó là thiết bị bay không người lái do Mỹ phái tới do thám cơ sở hạt nhân của Tehran. Năm 2012, một chiếc F-14 của Iran đã phát nổ khi đang cất cánh để điều tra một UFO đáng ngờ, cả 2 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.

Có lẽ không phải trùng hợp khi vào năm 2011, máy bay không người lái RQ-170 của Không quân Mỹ rơi tại biên giới giữa Iran với Afghanistan. Đáng chú ý, nhìn ở một số góc nhất định, RQ-170 rất giống chiếc đĩa bay. Động cơ của nó cũng tạo ra âm thanh cực kỳ khác lạ.

Thực tế, ở Mỹ cũng như nhiều nước, máy bay quân sự bí mật có thể bị nhầm với UFO. Ngoài những thiết bị bay không đuôi, không người lái và có khả năng tàng hình, rất nhiều phương tiện siêu thanh, siêu tốc cũng đang được phát triển. Trong đó, loại máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng có lẽ dễ tạo ấn tượng như UFO hơn cả.

Các chương trình tình báo và quân sự tuyệt mật thường từ chối chia sẻ kế hoạch và công nghệ với những chương trình khác. Điều đó phần nào giải thích tại sao đến cả những phi công của Hải quân Mỹ cũng hết sức ngỡ ngàng khi giáp mặt máy bay thử nghiệm bí ẩn cũng thuộc hải quân hoặc một cơ quan chính phủ khác của nước này.

Kỳ tới: Nhiệm vụ lạ lùng

Theo Đỗ Quyên

Người lao động