1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ảnh hưởng lâu dài của ông Trump đối với nước Mỹ

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Những gì ông Trump đã làm 4 năm qua được cho là không dễ bị phai mờ, mà có thể còn tồn tại lâu dài với nước Mỹ, nhất là cách nhìn khác biệt với mọi lý thuyết chính trị và tính cách mạnh mẽ của ông.

Ảnh hưởng lâu dài của ông Trump đối với nước Mỹ - 1

Ông Trump đã có một nhiệm tổng thống nhiều sóng gió và ồn ào. (Ảnh: Reuters)

"Trumpism"

Theo chuyên gia Kristin Tate, thuộc tổ chức Young Americans for Liberty, việc ông Trump không đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2 không đồng nghĩa với việc chương trình nghị sự của ông ít được người dân Mỹ ưa chuộng, nhất là người Mỹ đã được hưởng lợi từ các chính sách liên quan đến "Trumpism" (chủ nghĩa Trump).

Phương pháp chính trị dân túy và cách nhìn hệ thống quốc tế vô cùng khác biệt với mọi lý thuyết chính trị của Trump mặc dù bị phê phán, nhưng nó lại có câu trả lời đơn giản cho các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp và huy động những người thua thiệt trong lúc bất bình đẳng xã hội càng ngày càng gia tăng, khinh thường các thế lực chính trị hiện hữu.

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump đã gặt hái được những thành công nhất định và ảnh hướng rất lớn đến người dân Mỹ. Trong các cuộc khảo sát hồi tháng 10 năm ngoái, có đến 56% cử tri Mỹ cho biết họ đã khá giả hơn so với 4 năm trước, nhờ chính sách cắt giảm thuế sâu rộng của Trump. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha thấp kỷ lục, các ngành sản xuất trong nước đã trở lại mạnh mẽ, vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển thần tốc...

Cuộc khảo sát từ ngày 15-17/11/2020 cho thấy, có đến 91% cử tri Cộng hòa vẫn ủng hộ ông Trump. Bradley Blakeman, người từng là một nhân viên cấp cao dưới thời tổng thống Bush, thừa nhận rằng tính cách cá nhân mạnh mẽ của Trump góp phần làm thay đổi thái độ của cử tri. Những thay đổi mà ông Trump đem lại cho đảng Cộng hòa về cơ bản là tích cực.

Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mặc dù một số việc ông Trump làm được cho là "đi sai đường", nhưng vẫn có hàng trăm nghìn người Mỹ bỏ phiếu cho những người thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ các chính sách của ông. Điều này cho thấy, nhiều cử tri vẫn chấp nhận "chủ nghĩa Trump" như một nền tảng đúng đắn.

Sự kiện chưa từng thấy ngày 6/1 tại thủ đô Washington, khi nhiều người ủng hộ Trump xông thẳng vào tòa nhà quốc hội giữa lúc Hạ và Thượng viện họp thông qua chiến thắng của ông Biden chứng tỏ sức ảnh hưởng không nhỏ của "chủ nghĩa Trump" và cá nhân ông, cho dù có người gọi đây là "Di sản gây rối".

FBI đã cảnh báo về khả năng các cuộc biểu tình có vũ trang sẽ diễn ra trên khắp nước Mỹ, an ninh đã được siết chặt ngay trước ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Điều đó một lần nữa chứng tỏ sức lôi cuốn của Trump đối với họ, mặc dù Trump đã không thể làm được những điều họ mong muốn khi đã là người thất cử.

Trở lại thời gian tại nhiệm, với lập trường bảo hộ thương mại, quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, thái độ hoài nghi các tổ chức đa phương hay việc rút quân đội Mỹ hiện diện ở nước ngoài về nước…, ông Trump đã thay đổi đảng Cộng hòa theo nhiều cách khác nhau mà đảng này không dễ quay trở lại đường lối truyền thống.

Bà Kristin Tate nhận định, cuộc bầu cử có thể là một khước từ đối với Trump, nhưng nó cũng đồng thời là một sự cự tuyệt chương trình nghị sự của đảng Dân chủ. Cả hai điều này có thể khiến cả đảng Cộng hòa và phe thân ông Trump trong đảng mạnh lên trong dài hạn. Theo bà, "nếu đảng Cộng hòa chọn ra được những ứng cử viên theo phong cách "Nước Mỹ trên hết" thì bối cảnh năm 2024 sẽ nghiêng hẳn về phía họ".

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi ông Trump quyết định sẽ không ra tranh cử lần nữa thì ông vẫn có thể duy trì được ảnh hưởng trong đảng nhờ danh tiếng và những mối quan hệ của mình, qua đó tiếp tục trở thành tâm điểm trong dư luận Mỹ.

Phong cách làm chính trị táo bạo

Tại Mỹ, nhiều người ủng hộ Trump còn vì ông có thể nói về nền tảng chính trị một cách hùng hồn và hiệu quả, mạnh dạn thách thức các phương tiện truyền thông mà không gây ra hiệu ứng hỗn loạn kể cả khi ông bị cáo buộc "kích động" bạo loạn ở Điện Capitol. Ông cũng là tổng thống đầu tiên xem mạng xã hội Twitter là trận địa, là vũ khí để đạt các mục tiêu chính sách, tạo nên sức mạnh kết nối người dân Mỹ, để lại dấu ấn cá nhân cực kỳ đậm nét.

Việc dồn lực trên mạng xã hội Twitter phần nào tạo điều kiện cho ông Trump thường xuyên tiếp cận được với các cá nhân hay tổ chức mà không cần phụ thuộc vào các phương pháp truyền thông mang tính truyền thống. Điều này khiến việc tìm kiếm các phát ngôn, cũng như mức độ lan tỏa của các phát biểu trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.

Có thể nói, Trump đã khởi tạo xu hướng cực kỳ nổi bật khi thiết lập hệ thống chính trị với các thông tin mở, kết nối trực tiếp với đại bộ phận dân chúng và cho phép cử tri bộc lộ những phản ứng tức thời trước thông tin. Quá trình vận hành bộ máy chính trị dưới thời Trump được đánh giá là rất sáng tạo, mở ra con đường mới cho nền dân chủ Mỹ, khi các chính trị gia sử dụng mạng xã hội một cách "có chiến lược" như một công cụ kết nối hiệu quả bậc nhất của cuộc sống hiện đại. 

Các chuyên gia cho rằng, tư tưởng của Trump sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lên đảng Cộng hòa và những cử tri ủng hộ ông trong một thời gian dài sắp tới. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa sẽ phải thể hiện một cách thuyết phục hơn khi tiếp tục những chương trình nghị sự giống với tư tưởng của Trump.

Chiến lược gia đảng Cộng hòa Alex Conan cho rằng: "Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại đảng Cộng hòa truyền thống nữa bởi chủ nghĩa dân túy đã phát triển ở Mỹ. Mọi người đã không còn chỉ yêu thích những chính trị gia theo chuẩn mực và cứng nhắc nữa. Họ muốn một hiện tượng mới lạ, đột phá như ông Trump đã làm vào năm 2016".

Như vậy, sự định hình bản sắc tư tưởng đối với đảng Cộng hòa và một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ bằng "Trumism", cùng những di sản trong việc bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán tại Mỹ và tính cách mạnh mẽ, độc đáo của Trump sẽ ảnh hưởng lâu dài với nước Mỹ, có thể đủ sức xoay chuyển xu hướng bầu cử về phía đảng Cộng hòa ở các thế hệ sau.