1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Anh giằng co chuyện "chia tay" hay ở lại EU

(Dân trí) - Nếu Anh rời Liên minh châu Âu, vị thế của Anh trên trường quốc tế, nhất là về quân sự, sẽ bị thiệt hại do Mỹ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay.


Cử tri Anh sẽ bỏ phiếu về việc đi hay ở lại EU vào ngày mai 23/6 (Ảnh minh họa: Reuters)

Cử tri Anh sẽ bỏ phiếu về việc đi hay ở lại EU vào ngày mai 23/6 (Ảnh minh họa: Reuters)

Ngày mai (23/6), cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu để trả lời “Có/Không” cho câu hỏi: “Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên EU hay rời khỏi Liên minh này?”.

Trong những ngày gần đây qua thăm do dự luận với câu hỏi có hay không “Brexit” đang nghiêng về câu trả lời có. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khoảng cách hai bên đang thu hẹp dần, và số cử tri “lưỡng lự” được dự đoán là nghiên về phía nói không. Vì thế, khả năng nước Anh vẫn ở lại EU cải cách là rất lớn.

Toan tính thiệt hơn

Vấn đề nước Anh rời bỏ EU đã được đặt ra từ năm 2010, trong cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Camerron. Anh cho rằng sự yếu kém về kinh tế, quản lý không vững chắc, các chính sách ngặt nghèo; vấn đề di cư, nhập cư, căn bệnh nợ công kéo dài; sự sụt giảm đáng kể vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối này… khiến việc trưng cầu ý dân để quyết định vấn đề này trở nên cấp bách.

Hồi tháng 2, các nhà lãnh đạo EU đã có thỏa thuận mới, mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh tiếp tục là thành viên của khối này. Theo đó, EU sẽ tạo cơ chế để những ý kiến từ phía Anh và nhiều quốc gia khác không thuộc Eurozone, được lắng nghe. Sẽ có 2 cơ chế song trùng hoạt động ngân hàng dành cho các nước trong và ngoài Eurozone.

Nước Anh sẽ được trao quy chế đặc biệt: điều khoản sửa đổi các hiệp ước của EU theo đó nước Anh không phải tham gia sâu hơn vào liên minh, được quyền thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thành phố London, quyền kiến nghị nhằm trì hoãn thực thi những đạo luật của Eurozone và dừng việc chi trả phúc lợi cho những lao động nhập cư đang làm việc trong thời hạn 7 năm…

Theo thống kê, nếu Anh ra khỏi EU thì từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ mất đi cơ hội có thêm 58 tỷ Bảng, và mỗi năm còn mất 790.000 lao động và 11 tỷ Bảng từ quan hệ thương mại với EU. Vì thế, đã có 40% lãnh đạo các doanh nghiệp được hỏi muốn Anh ở lại EU vô điều kiện, 52% muốn ở lại trong một EU cải cách, chỉ có 8% cho rằng Anh nên rời khỏi EU.

Với ngành nông nghiệp, thu nhập của nông dân Anh 60% đến từ những quy chế bảo hộ của EU, riêng nhập khẩu lương thực, thực phẩm cũng đã là 30%. Đây là bài toán khó nếu Anh rời khỏi EU.

Những diễn biến trên thị trường tài chính Anh hồi tháng 2 và gần đây đã đón nhận bản thỏa thuận Anh - EU với một thái độ tích cực, theo hướng London vẫn giữ vị trí trung tâm tài chính lớn nhất thế giới trong “gia đình” EU.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU đó là tự do giữa các quốc gia trong nội khối. Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo giới doanh nghiệp, lợi ích đã mang lại hàng tỷ bảng cho các công ty xuất khẩu. Nếu rời khỏi EU, nước Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro suy giảm sức mạnh liên kết quốc tế. Và nền kinh tế Anh sẽ mất khoảng 2,2% tổng GDP trước năm 2030.

Vấn đề việc làm, việc tự do dịch chuyển trong nội khối EU đã mở nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Anh và các công ty Anh cũng dễ dàng tuyển dụng lao động từ các nước thành viên khác. Khi rời EU đồng nghĩa với việc nước Anh phải tự giải quyết trong phạm vi biên giới của chính mình.

Điều quan trọng hơn là vị thế của Anh trên trường quốc tế, nhất là về quân sự. Nước Anh có thể sẽ bị thiệt hại do Mỹ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay nếu Anh rời khỏi EU.

Dung hòa lợi ích

Trong cuộc đàm phán hồi tháng 2, Thủ tướng Anh Cameron đề nghị EU cải cách trên 4 lĩnh vực chủ chốt: (1) sự cạnh tranh kinh tế, (2) quyền chủ quyền của các nước thành viên, (3) chính sách an sinh xã hội, và (4) dòng lao động dịch chuyển tự do.

Ngay sau khi kết thúc đàm phán, ông Cameron thông báo cho người dân Anh rằng: “Tôi vừa thảo luận về thoả thuận cho Anh vị thế đặc biệt trong EU. Ông khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách”, và “đó là lý do tôi sẽ vận động bằng tất cả trái tim và tâm huyết của mình để thuyết phục người Anh ở lại trong EU khi nó được cải cách, theo thoả thuận chúng ta đạt được hôm nay”.

Các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Cameron vấp phải một số đòi hỏi từ phía Anh, đặc biệt việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân EU làm việc tại Anh trong thời hạn 4 năm, còn EU đề xuất cắt khoản hỗ trợ này trong vòng 13 năm và cuối cùng 2 bên thỏa thuận đạt được là 7 năm.

Anh tuyên bố “không cam kết tiếp tục gắn kết sâu sắc hơn về chính trị vào EU”, yêu cầu trao quyền lớn hơn cho nghị viện các nước, trong việc ngăn chặn các quy định của EU. London ủng hộ một hệ thống “thẻ đỏ”, cho phép các quốc gia thành viên bãi bỏ, cũng như phủ quyết những chỉ thị của EU mà các nước đó không muốn thực hiện.

Nước Đức với tư cách thành viên lớn nhất của EU, đang đi đầu trong nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn của khối này, bà Merkel cho biết sự thoả hiệp có được là vì “chúng tôi muốn Anh ở lại”. Ông Cameron còn tuyên bố: “Tôi không tranh luận, và sẽ không bao giờ tranh luận về việc liệu Anh có thể tồn tại bên ngoài EU hay không… mà là làm gì để chúng ta có ảnh hưởng lớn nhất lên những quy tắc định hình kinh tế toàn cầu sẽ tác động tới chúng ta”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, “Anh cần EU và EU cũng cần Anh”. EU sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích riêng vì lợi ích chung, để chứng tỏ sự đoàn kết.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá thỏa thuận này công bằng cho cả Anh và các nước thành viên EU khác. Ông cho rằng, thỏa thuận này không làm sâu thêm các rạn nứt trong liên minh mà là xây dựng các cầu nối.

Cử tri Anh có thể nói không với "Brexit"

Ngay sau khi thỏa thuận Anh - EU, những người ủng hộ cho rằng đây là thỏa thuận lịch sử, mang lại lợi ích cho cả Anh và EU. Nhưng những người hoài nghi lại cho rằng, Thủ tướng Anh đã đưa ra những yêu cầu quá đơn giản, và việc EU nhượng bộ, không có ý nghĩa gì nhiều cho nước Anh và thị trường tài chính London.

Theo giới quan sát, không khí bao trùm là lo ngại một cuộc khủng hoảng mới với quy mô lớn hơn trong lúc toàn bộ châu Âu đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có.

Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk tuyên bố: “Tôi tin là nước Anh cần EU và EU cũng cần nước Anh. Phá vỡ mối liên kết này sẽ là đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của các bên. Chúng tôi đã làm tất cả để điều đó không xảy ra, nhưng quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay của người dân Anh”.

Được biết, nội dung câu hỏi trưng cầu ý dân vào ngày mai là: Nước Anh “sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một EU cải cách hay đứng ngoài một mình”?

Như vậy, sau hơn 3 tháng kể từ khi có thỏa thuận mới giữa Anh và các nhà lãnh đạo EU, cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có hay không ở lại EU sắp bắt đầu. Con số 50-50% cho câu trả lời “có/không” vẫn đang “nhảy múa”, nhưng theo giới quan sát thì những cử tri “lưỡng lự” sẽ có quyết định cuối cùng làm tăng tỷ số cho ý kiến “nói không” với “Brexit”

Tuy nhiên, 2 khả năng hiện vẫn song trùng. Vì thế, câu trả lời vẫn phải đợi cử tri Anh khi kết thúc ngày 23/6.

Nguyễn Nhâm