Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng xanh
(Dân trí) - Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới - trong việc đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn nữa về khí hậu và đạt được mục tiêu năng lượng xanh.
Ngày 12/12/2020 đánh dấu 5 năm Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu được ký kết. Nhân dịp này, Nghị sĩ Alok Sharma, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Vương quốc Anh, Chủ tịch Hội nghị COP26 có bài viết về chủ đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết của các quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Những khởi đầu tích cực
Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 - COP26 sẽ được tổ chức tại Vương quốc Anh. Hội nghị đóng vai trò quan trọng đưa thế giới xích lại gần nhau để thống nhất những bước đi mạnh mẽ nhằm ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách, không chỉ tại thời điểm hiện tại khi chúng ta cố gắng chèo chống để vượt qua đại dịch toàn cầu, mà cả trong nhiều năm và nhiều thập niên tới.
Trong khi thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19, những tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn. Chỉ trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến những đợt nắng nóng chưa từng có ở vùng Siberia, lũ quét ảnh hưởng tới khắp Đông Phi và các khu vực rộng lớn ở miền Tây nước Mỹ. Việt Nam cũng phải hứng chịu những trận lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng kéo dài do hậu quả của hàng loạt cơn bão nhiệt đới. Các loại hình thiên tai đã làm 280 người thiệt mạng và hơn 320.000 ngôi nhà, trường học và trung tâm y tế bị hư hại hoặc phá hủy. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lúc tiếp tục đương đầu với tác động của đại dịch, các quốc gia cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nên đầu tư phục hồi kinh tế theo hướng xanh hay tiếp tục với nền kinh tế phát thải cao và gây ô nhiễm trong nhiều thập niên tới?
Với tư cách là Chủ tịch của COP26, tôi vô cùng vui mừng khi được nhìn thấy những cam kết hướng đến mức phát thải bằng 0 vào năm 2025 mà một số chính phủ và doanh nghiệp đã đề ra gần đây. Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt mức phát thải bằng 0 trước năm 2060. Đồng thời, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết không phát thải các-bon vào năm 2050. Đầu năm nay, Singapore đã công bố tham vọng đưa phát thải khí nhà kính xuống mức 0 trong nửa sau của thế kỷ này.
Theo Cơ quan Theo dõi Hành động Khí hậu (Climate Action Tracker), hiện có 126 quốc gia - chịu trách nhiệm tương ứng cho hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu - đã đưa ra các cam kết tương tự về trung lập các-bon hoặc không góp phần tạo nên biến đổi khí hậu. Vương quốc Anh là một trong số những quốc gia này. Vào ngày 3/12 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố mục tiêu cắt giảm ít nhất 68% lượng phát thải khí nhà kính của Vương quốc Anh vào năm 2030, so với mức năm 1990. Đây là kế hoạch cắt giảm có tốc độ nhanh nhất của một quốc gia phát triển từ trước đến nay.
Các nhà lãnh đạo đầy tham vọng này đã tạo ra khởi đầu thực sự tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, như tất cả chúng ta đều đã biết, là vô cùng cấp bách.
Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới phát triển nền kinh tế xanh
Việt Nam đã cam kết mức cắt giảm khí nhà kính tự nguyện là 9%. Tuy đây là một bước tiến, chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn nữa với tiềm năng về năng lượng tái tạo vô cùng lớn của mình. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện mặt trời trong quý I/2020 đã tăng gấp 28 lần, đạt 2,3 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lĩnh vực năng lượng mặt trời phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN. Nghị quyết 55 của Chính phủ Việt Nam đã mở đường cho năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững. Lợi ích về kinh tế và môi trường của năng lượng tái tạo đều rất lớn. Đây cũng là lý do các nhà đầu tư đang ngừng cấp vốn cho các dự án điện than mới.
Trước thềm Hội nghị COP26, chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới - trong việc đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn nữa về khí hậu và đạt được các mục tiêu năng lượng xanh. Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển mình một cách ngoạn mục, và tại thời điểm hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới phát triển nền kinh tế xanh. Vương quốc Anh hoan nghênh kế hoạch của Việt Nam trong việc không xây dựng nhà máy điện than mới trong giai đoạn 2026-2030 và tăng cường năng lượng tái tạo trong Tổng Sơ đồ điện 8 sắp tới.
Vào ngày 12/12 tới đây, nhân kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận về Biến đổi khí hậu Paris được ký ký kết, Vương quốc Anh sẽ đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Tham vọng Khí hậu cùng Liên hợp quốc và Pháp, với sự hợp tác của Chile và Italia. Hội nghị trực tuyến chào đón sự tham dự của tất các quốc gia thành viên của Thỏa thuận Paris để cùng nhau thảo luận về tiến trình để giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Với vai trò là Chủ tịch COP26, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra những cam kết mạnh mẽ về khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tham vọng Khí hậu này, và tôi hy vọng rằng đây sẽ là một mốc quan trọng cho hành tinh của chúng ta.
Vương quốc Anh sẽ tận dụng thời gian trước thềm Hội nghị COP26 để thúc đẩy tham vọng và hành động trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng, cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai xanh hơn, bền vững hơn. Tương lai đó bắt đầu từ bây giờ.