1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Angela Merkel - "Bà đầm thép" của nước Đức

Quốc hội Đức hôm qua bầu thủ lĩnh đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Angela Merkel làm thủ tướng, sau chiến thắng sít sao của bà trong cuộc bầu cử ngày 18/9. Để đến được chiếc ghế đầy quyền lực này, bà phải vượt qua nhiều khó khăn, kể cả vẻ bề ngoài bị coi là thiếu hấp dẫn của mình.

Nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức lãnh đạo chính phủ liên minh giữa đảng CDU của bà với đảng từng cầm quyền là Dân chủ Xã hội (SPD). Chính sách đối ngoại của tân thủ tướng được coi là gần gũi với Mỹ hơn so với người tiền nhiệm Gerhard Schroeder của SPD, người phản đối kịch liệt cuộc chiến Iraq do Washington phát động.

 

Đảng SPD nắm 8 ghế trong nội các mới của Đức, trong đó có Bộ Ngoại giao, Tài chính và Lao động. Còn đảng CDU và đối tác là đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) cũng nắm 8 vị trí trong nội các này, gồm chiếc ghế Thủ tướng của bà Merkel, Bộ Quốc phòng, Kinh tế, Y tế, Nội vụ...

 

Xuất thân từ khoa học

 

Angela Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại thành phố Hamburg, nhưng chỉ mới được 2 tháng tuổi thì theo cha sang thành phố nhỏ Templin ở Đông Đức. Bà lớn lên tại đây và sớm bộc lộ tài năng nổi bật trong môn toán, khoa học và ngôn ngữ. Năm 1978 bà lấy bằng tiến sĩ vật lý nhưng lại làm nhà hoá học trong một học viện ở Đông Berlin.

 

Năm 1989, Angela Merkel bắt đầu hoạt động chính trị trong phong trào dân chủ đang nảy nở lúc đó. Bà gia nhập CDU ngay trước khi nước Đức thống nhất năm 1990 và chỉ 3 tháng sau đã được chỉ định vào nội các của Thủ tướng Helmut Kohl với chức Bộ trưởng phụ trách Phụ nữ và Thanh niên. Đến năm 1994 thì chuyển sang làm Bộ trưởng Môi trường.

 

Về đời sống riêng tư, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, 51 tuổi, lập gia đình với một giáo sư hoá học ở Berlin là Joachim Sauer. Hai người chưa có con.

 

Vượt qua vẻ bề ngoài

 

Một số ghế chủ chốt trong nội các của Thủ tướng Merkel

 

Phó thủ tướng/Bộ trưởng Lao động: Franz Muentefering (SPD)

Ngoại trưởng: Frank Walter Steinmeier (SPD)

Bộ trưởng Nội vụ : Wolfgang Schaeuble (CDU)

Bộ trưởng Quốc phòng: Franz Josef Jung (CDU)

Bộ trưởng Tài chính: Peer Steinbrueck (SPD)

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ: Edmund Stoiber (CSU)

Bộ trưởng Nông nghiệp: Horst Seehofer (CSU)

Bộ trưởng Y tế: Ulla Schmidt (SPD)

Nhóm vận động bầu cử của bà Merkel đã phải nỗ lực để xoá đi hình ảnh một nữ chính trị gia bị coi là "kém hấp dẫn", không có sức lôi cuốn quần chúng bằng Thủ tướng mãn nhiệm Gerhard Schroeder. Bà cũng không coi thường điều này và cố gắng chải chuốt hơn bằng cách luôn mặc những bộ đồ sáng màu.

 

Nữ chính trị gia theo đạo Tin lành Angela Merkel đã góp phần phá bỏ một khuôn mẫu về ban lãnh đạo trong đảng CDU, vốn luôn được chi phối bởi những nam chính trị gia theo Thiên chúa giáo. Chủ trương của bà là mong muốn một sự cải cách cơ bản, nhằm kéo nền kinh tế Đức khỏi sức ì hiện nay.

 

Sự nghiệp chính trị của bà Merkel bắt đầu nổi lên từ 5 năm trước khi xảy ra vụ bê bối về quỹ đen trong nội bộ đảng CDU. Cuộc khủng hoảng ngày càng trở lên sâu sắc với vai trò rõ ràng của Thủ tướng lúc đó là Helmut Kolh. Cuối cùng bà quyết định công khai tách khỏi liên minh chính trị với người từng nâng đỡ mình và được chọn làm lãnh đạo của CDU, tháng 4/2000.

 

Tuy nhiên, bà Merkel đã không đủ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng để được chọn làm ứng viên của CDU ra tranh cử chức thủ tướng năm 2002. Trọng trách này được đặt vào vai Edmund Stoiber, lãnh đạo một đảng trực thuộc CDU ở vùng Bavaria.

 

Một số tờ báo từng gọi bà Angela Merkel là Margaret Thatcher của nước Đức. Nhưng Ulrich Klinkert, cựu thứ trưởng Bộ Môi trường giữa những năm 90 thì cho rằng, so sánh bà với "Người đàn bà Thép" của nước Anh là sai lầm. "Bà ấy có một chút của Margaret Thatcher và một chút của Tony Blair", Klinkert nhận xét.

 

Thách thức ở phía trước

 

Việc bà Angela Merkel trở thành thủ tướng được coi là một chương mới trong lịch sử nước Đức. Nhưng vinh dự cũng đi kèm với những thách thức đang chờ đón bà, đặc biệt là những vấn đề kinh tế mà Đức đang đối mặt. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và đứng đầu châu Âu này đang phải gánh một tỷ lệ thất nghiệp rất cao là 11,6%.

 

Vai trò là động lực của nền kinh tế châu Âu mà Đức một thời nắm giữ, giờ nhường chỗ cho hình ảnh một trong những nền kinh tế trì trệ nhất trong 25 thành viên của Liên minh châu Âu. Các nhà phân tích dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay của Đức cũng không mấy khả quan, chỉ dưới 1%.

 

Nhưng bà Angela Merkel cũng có trong tay những thứ vũ khí lợi hại để vượt qua các thách thức. Đó là việc liên minh giữa CDU và SPD do bà đứng đầu nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Điều này sẽ giúp tân thủ tướng thực hiện các cải cách về cấu trúc liên bang, hệ thống phúc lợi, trợ cấp xã hội và thuế mà không sợ phải đối mặt với khả năng bị phủ quyết.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/BBC, Reuters