"Ẩn ý" thăm nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc
Tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc đã chính thức đảm nhận vị trí hồi đầu tháng 3. Trong vòng hai tháng kể từ đó, các lãnh đạo Trung Quốc đã có hàng loạt chuyến công du nước ngoài.
Nhìn vào những lộ trình này, có thể thấy rõ ràng rằng, định hướng cơ bản trong chính sách ngoại giao của chính phủ mới Trung Quốc là tập trung vào những quốc gia láng giềng, đồng thời vươn xa tới nhiều nước mới nổi ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Trong vòng một tuần sau khi kết thúc hai kỳ họp quan trọng (quốc hội và hội nghị hiệp thương chính trị) vào giữa tháng 3, tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên, với Nga là điểm đến thứ nhất và tiếp theo là ba quốc gia châu Phi gồm Tanzania, Nam Phi và Cộng hoà Congo. Ông Tập còn tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS với những người đồng cấp đến từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Tháp tùng ông Tập có ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Vào tháng 5, ông Dương đã tới thăm bốn nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Indonesia, Brunei và Singapore. Báo chí Trung Quốc gọi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên và nhấn mạnh tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại mà Trung Quốc đặt ở những nước láng giềng.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều hiếm khi liên quan vào các sự vụ đối ngoại, nhưng gần đây ông đã tới thăm Nam Mỹ. Ông Lý có một tuần công du ở Venezuela và Argentina. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông ở cương vị mới. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì thì hướng tới Mông Cổ.
Ảnh: gosouthonline
Trong khi đó, ông Lý Khắc Cường đã rời Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức 4 nước (Ấn Độ, Pakistan, Thuỵ Sĩ và Đức) từ ngày 19-27/5. Chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc là Ấn Độ.
Chính sách đối ngoại Trung Quốc do Nhóm Chỉ đạo Đối ngoại Trung ương quản lý. Các nhân vật chủ chốt trong nhóm này gồm chủ tịch, thủ tướng, uỷ viên quốc vụ viện và bộ trưởng ngoại giao. Chính vì thế, các điểm đến đầu tiên của họ sau khi đảm nhận các trọng trách mới thường được rất chú ý. Nhiều phương tiện truyền thông cho rằng, việc ông Lý Nguyên Triều tham gia gánh vác một số sự vụ ngoại giao phản ánh sự tăng tốc và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong chính phủ mới ở Trung Quốc.
Có rất nhiều điểm đến trong các chuyến công du đầu tiên liên quan tới những hàng xóm Trung Quốc như: Nga, Đông Nam Á, Mông Cổ, Ấn Độ và Pakistan. Bắc Kinh luôn coi các nước xung quanh như điểm khởi đầu cho chiến lược ngoại giao của họ, đồng thời cũng nỗ lực thể hiện một chính sách mà họ cất công theo đuổi "láng giềng hữu nghị, an ninh và thịnh vượng". Trong chuyện tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á và Ấn Độ, thì các chuyến công tác đầu tiên kể trên không chỉ là nỗ lực xoa dịu những nghi ngờ và bất an, nó còn góp phần thuyết phục cộng đồng khu vực về việc Trung Quốc tiếp tục coi trọng cái gọi là "cùng tồn tại hoà bình".
Trong khi đó, các mối quan hệ của Bắc Kinh với Nga, Pakistan và Mông Cổ vốn đã khá vững mạnh thì các chuyến thăm đơn giản chỉ là tăng cường truyền thống hữu nghị.
Châu Phi và Nam Mỹ đang nhanh chóng cùng với châu Á trở thành "các đầu tàu mới" trong hoạt động chính trị và kinh tế quốc tế. Thực tế rằng những khu vực này là điểm đến hàng đầu với giới lãnh đạo mới Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đang tìm cách kết hợp sự ổn định khu vực với sự tiếp cận xa hơn, rộng hơn tới các quốc gia mới nổi.
Cần chú ý rằng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Khắc Cường bao gồm Thuỵ Sĩ và Đức. Sự lựa chọn này có thể được xem là chính sách cân bằng và toàn diện của ngoại giao Trung Quốc. Hay nói một cách khác, họ tập trung vào thế giới mới trỗi dậy và cũng không bỏ qua mối quan hệ với các nước phát triển.