1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ẩn ý của Moon Jae-in sau lệnh điều tra THAAD

Dư luận thế giới đang đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại ra lệnh điều tra việc Mỹ lắp thêm 4 hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), trong khi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất và là người bảo hộ của Hàn Quốc kể từ Thế chiến II.

Và chẳng phải hệ thống THAAD sẽ giúp Hàn Quốc an toàn hơn sao?

Khẳng định vị thế của ông chủ Nhà Xanh

Khi còn là một ứng viên tổng thống, ông Moon Jae-in đã nhiều lần chỉ trích Chính phủ Hàn Quốc không kiểm soát tốt, vội vàng triển khai Tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà không có sự đồng thuận của công chúng.

Trong cuộc họp báo hôm 30-5, phát ngôn viên của ông Moon, Yoon Young-chan, cho hay: "Tổng thống Moon nói rằng ông cảm thấy ‘sốc’ khi nghe tin 4 bệ phóng được lắp đặt thêm mà chính phủ và người dân không hề hay biết".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Việc ra lệnh điều tra 4 bệ phóng mới khẳng định lập trường nhất quán của ông Moon từ lúc còn là ứng viên tổng thống cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc. Đồng thời cũng khẳng định với ông chủ Nhà Trắng muốn làm gì tại Hàn Quốc thì phải thông qua ông chủ mới của Nhà Xanh, chứ không phải chỉ là những cam kết với chính phủ tiền nhiệm.

Muốn đối thoại, không muốn đối đầu

Trước khi làm Tổng thống, ông Moon kiếm sống bằng nghề luật sư, nghề này giải quyết mọi việc dựa trên đối thoại chứ không phải bằng vũ lực. Nên Tổng thống Moon Jae-in là người có tư tưởng hòa giải, mong muốn giảm bớt căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Khi tuyên bố điều tra 4 hệ thống này, ông Moon còn muốn gửi lời nhắn nhủ đến một đối tác kinh tế lớn khác đó là Bắc Kinh. Vì đêm 25-4, khi quân đội Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống này tới vị trí ở khu vực phía đông nam Hàn Quốc. Bắc Kinh phản đối gay gắt việc Hàn Quốc triển khai THAAD vì lo rằng hệ thống radar mạnh mẽ của nó có thể "nhòm ngó" lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Moon cũng từng đề nghị Trung Quốc ngừng ngay lập tức việc đáp trả hệ thống THAAD khi áp đặt một số hạn chế lên các công ty đang kinh doanh với đối tác Hàn Quốc.

Bộ phận đánh chặn trong tổ hợp THAAD được chuyển tới căn cứ Osan, Hàn Quốc, đêm 6-3. Ảnh: Reuters.
Bộ phận đánh chặn trong tổ hợp THAAD được chuyển tới căn cứ Osan, Hàn Quốc, đêm 6-3. Ảnh: Reuters.

Với động thái ra lệnh điều tra các bệ phóng THAAD, ông Moon đã gửi một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh và Triều Tiên việc ông muốn đối thoại, chứ không muốn đối đầu.

Phương tiện mặc cả

Dù thế nào đi nữa thì ông Moon cũng không ra lệnh ngừng ngay việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Vì hiện tại, Mỹ vẫn còn 28.000 lính đang đóng quân tại Hàn Quốc, nên về cơ bản Hàn Quốc vẫn còn phụ thuộc quân sự vào Mỹ. Và Mỹ vẫn đang là chiếc ô che chở an ninh cho Hàn Quốc.

Việc THAAD được triển khai ở Hàn Quốc cũng là một động thái chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc. THAAD không chỉ dùng đối phó với Triều Tiên mà còn đối phó với Trung Quốc, nên chắc chắn Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để thuyết phục chính quyền Mỹ rút THAAD khỏi Hàn Quốc.

Và con bài quan trọng nhất để Bắc Kinh đàm phán với Mỹ đó là thuyết phục đồng minh Triều Tiên giải giáp vũ khí hạt nhân. Việc đưa THAAD khỏi khu vực có thể được thực hiện nếu một thỏa thuận giữa Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên được đồng thuận.

Nếu điều này xảy ra, thì ông Moon sẽ là Tổng thống thành công nhất trong lịch sử Hàn Quốc khi đã làm được một điều mà chưa người tiền nhiệm nào làm được, đó là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Và đây cũng sẽ là chiến thắng chung cho cả nhân dân hai nước. Tất cả vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của dân tộc Triều Tiên.

Theo Huỳnh Kim Việt

Cảnh sát toàn cầu