1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

An ninh biển nóng ran vì Nga, Trung, Nhật

An ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á đã nóng trở lại, khi Nhật lắp radar chống Trung Quốc, Bắc Kinh lập ADIZ và Nga muốn xây căn cứ quân sự.

Nhật Bản đã bật hệ thống radar tại biển Hoa Đông hôm 28/2 để thu thập thông tin tình báo gần nhóm đảo đang tranh chấp với Trung Quốc.

“Trước ngày 28/3, chúng tôi không hề có đơn vị nào quan sát bờ biển ở phía tây đảo chính Okinawa. Đây là một khoảng trống chúng tôi cần lấp đầy” – Thiếu tá Daigo Shiomitsu thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất của Nhật Bản, nói về căn cứ mới ở đảo Yonaguni.

“Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi có thể giám sát vùng lãnh thổ quanh Nhật Bản và phản ứng trước mọi tình huống” – ông Shiomitsu nói thêm.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc trường Đại học Nihon, trạm này sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Ông Yoshitomi cho biết thêm, trạm này không chỉ thu thập thông tin tình báo, mà còn được sử dụng làm căn cứ tác chiến quân sự trong khu vực.

Theo Reuters, phát biểu về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, và phản đối "hành vi gây hấn" này của Nhật Bản.

“Các hoạt động của tàu và máy bay của Trung Quốc trong vùng biển và vùng trời liên quan là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp” – trích tuyên bố của phía Trung Quốc.

Nhóm các đảo đá mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đang do phía Nhật Bản kiểm soát. Tokyo đã quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây.

Trước đó, vào tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, các phi cơ bay vào khu vực này phải tuân thủ mệnh lệnh của Trung Quốc, nếu không quân đội nước này có quyền "vận dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".

Yonaguni chỉ cách đông Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 100km, gần rìa ADIZ mà Trung Quốc lập nên.

Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng lực lượng của họ tại biển Hoa Đông lên tổng số 10.000 người, bao gồm cả các đơn vị tên lửa nhằm giúp Tokyo xâu chuỗi "lá chắn" dọc chuỗi đảo.

Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách nói rằng, đây là một phần trong chiến lược của Nhật Bản nhằm kiềm chân Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách giành quyền kiểm soát biển Đông.

Vị trí quần đảo Kuril mà Nga đang kiểm soát. Nhật Bản gọi đây là Lãnh thổ phương Bắc.
Vị trí quần đảo Kuril mà Nga đang kiểm soát. Nhật Bản gọi đây là Lãnh thổ phương Bắc.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soighu tuần trước cho hay, Nga có thể nghiên cứu khả năng xây dựng một căn cứ hải quân, và triển khai hệ thống tên lửa tối tân ở nơi họ gọi là quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản.

Nhật Bản gọi quần đảo này là Vùng lãnh thổ phương bắc. Tranh cãi liên quan tới các đảo này khiến Nhật và Nga không thể ký hiệp ước hòa bình chính thức sau chiến tranh.

“Qua kênh ngoại giao, chúng tôi được biết về quan điểm của phía Nga, và chúng tôi lo ngại về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu” – Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói.

“Chúng tôi cũng nói với họ rằng nếu điều này dẫn tới việc Nga củng cố hạ tầng quân sự tại Vùng lãnh thổ phương Bắc, điều này mâu thuẫn với quan điểm của Nhật và rất đáng tiếc”, ông Yoshihide Suga nói thêm.

Theo Lê Thu

Vietnamnet