1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông

(Dân trí) - Trong thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp Philippines Albert Del Rosario, Ấn Độ ngày 14/10 cam kết ủng hộ Philippines trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

 


Trung Quốc ngang ngược tiến hành hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông (Ảnh: TimesofIndia)

Trung Quốc ngang ngược tiến hành hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông (Ảnh: TimesofIndia)

Thông báo nêu rõ: "Ngoại trưởng Rosario đã trình bày với Ngoại trưởng Minister Swaraj về những diễn biến trong thời gian qua ở vùng biển phía Tây Philippines và vụ kiện Trung Quốc của nước này lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Hay".

"Ngoại trưởng Swaraj đã cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hai bên đều tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết mọi tranh chấp thông qua những biện pháp hòa bình và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như hạn chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp", thông báo chung khẳng định.

Ngoài ra, hai bên cũng nhắc tới tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông hồi năm 2002.

Cũng tại cuộc gặp giữa ngoại trưởng Ấn Độ và Philippines, hai bên cũng thảo luận tới nhiều vấn đề song phương cùng quan tâm, trong đó gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Ấn Độ và Bangladesh.

Trong một thông báo được Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra sau cuộc họp, Ngoại trưởng Rosario đã hoan nghênh quan điểm của Ấn Độ về các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông cho rằng "thế giới không được phép để Trung Quốc đòi hòi chủ quyền của toàn bộ các khu vực ở Biển Đông".

Ngoài ra, Ngoại trưởng Rosario cho rằng Ấn Độ và Philippines cần đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và tăng cường quá trình chuyển giao công nghệ.

Thời gian qua, Philippines luôn cho rằng phần lớn dư luận quốc tế đều bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Dù luôn tuyên bố không áp dụng UNCLOS cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng Trung Quốc lại sử dụng công ước này để đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Nhật Bản.

Ngọc Anh

Tổng hợp