Ấn Độ thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân
(Dân trí) - Ấn Độ ngày 17/10 đã bắn thử thành công tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do nước này tự chế tạo, với tầm bắn có thể lên tới 1.000 km, truyền thông nước này đưa tin.
Đáng chú ý là tên lửa đất đối đất này được phóng đi từ một bệ phóng di động.
“Tên lửa đã được bắn thử từ một thiết bị phóng di động đặt tại bệ phóng số 3 trong Bãi thử hỗn hợp vào khoảng 10 giờ 03 phút”, một quan chức tiết lộ không lâu sau khi tên lửa khai hỏa.
“Các chi tiết về hành trình bay sẽ có sau khi các dữ liệu được radar cũng như các tín hiệu đo từ xa theo dõi quỹ đạo bay, truyền về và được phân tích”.
Đây là lần thứ hai tên lửa hành trình cận âm tầm xa Nirbhay được thử tại bãi phóng hỗn hợp nêu trên.
Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra ngày 12/3/2013 đã không thể thu thập được toàn bộ các thông số, “do hành trình đã phải hủy bỏ giữa chừng khi tên lửa bay chệch khỏi quỹ đạo đã định”, các nguồn tin cho biết.
Nirbhay được Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ bắt đầu nghiên cứu năm 2007. Nó sẽ giúp bổ sung vào kho tên lửa khá đa dạng của nước này.
Hiện Ấn Độ đã có các tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, với tầm bắn chỉ 290km do nước này và Nga cùng phát triển.
Nirbhay được khẳng định có khả năng điều khiển và dẫn đường tốt, độ chính xác cao cùng đặc tính tàng hình được đánh giá nổi trội.
Thanh Tùng
Theo Times of India