Ấn Độ đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Hải quân Ấn Độ sắp thử tàu sân bay nội địa đầu tiên, vũ khí được cho sẽ giúp New Delhi gia tăng năng lực đối phó Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
SCMP đưa tin, Ấn Độ dự kiến sẽ thử nghiệm tàu sân bay INS Vikrant vào đầu tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rajnath Singh tuần trước cho hay, chiến hạm này dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong nửa đầu năm 2022.
INS Vikrant sẽ là tàu sân bay thứ 2 của Ấn Độ. Tàu đầu tiên INS Vikramaditya đã 35 tuổi và được New Delhi mua lại từ hải quân Nga.
Chính phủ Ấn Độ đã gọi tàu sân bay tự đóng đầu tiên của họ là "khí tài mạnh nhất trên biển" và là "vũ khí quân sự không thể so sánh được". INS Vikrant sẽ vận hành các tiêm kích MiG-29K mua của Nga, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa nhiệm MH-60R do Mỹ sản xuất và trực thăng nội địa Advanced Light.
Các chuyên gia và nhân vật quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ từ lâu đã cho rằng, nước này cần thêm tàu sân bay trong bối cảnh họ đang tăng cường hợp tác với các hải quân khác trên thế giới và thực hiện hàng loạt cuộc tập trận trong thời gian qua. Ngoài ra, tàu sân bay cũng được cho sẽ tăng khả năng giám sát và thu thập tin tức tình báo của Ấn Độ do nó cho phép các máy bay trinh thám có thể hoạt động ở khoảng cách xa hơn.
Cựu phi công hải quân K Mohanan thậm chí cho rằng Ấn Độ nên bắt đầu cân nhắc đóng hàng không mẫu hạm thứ 3, trong bối cảnh năng lực giám sát đang trở nên rất quan trọng với Ấn Độ khi Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương.
Giới quan sát nhận định, tàu sân bay mới cho thấy năng lực ngày càng tiến bộ của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, nhất là công nghệ đóng tàu, khi họ tự chủ tới 75% nguồn lực quốc gia để chế tạo con tàu, từ thiết kế đến thép, hệ thống vũ khí và cảm biến quan trọng.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của New Delhi sẽ giúp quốc gia Nam Á gia tăng năng lực nhằm đối phó với việc Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc hiện có 2 hàng không mẫu hạm đang trong biên chế là Liêu Ninh và Sơn Đông. Bắc Kinh đang chế tạo tàu sân bay thứ 3.
Hồi tháng 5, Kenya đã khánh thành một cảng do Trung Quốc xây dựng trên đảo Lamu, trên bờ biển Ấn Độ Dương của nước này. Tuần trước, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan cho biết nước này có thể hồi sinh kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một cảng trị giá 10 tỷ USD ở Bagamoyo.