1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ đóng 12 tàu tuần tra cho Việt Nam

(Dân trí) - Ấn Độ đang đóng 12 tàu tuần tra cho Việt Nam trong khuôn khổ một thỏa thuận được ký kết hồi năm ngoái, Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.


Tàu tuần tra INS Saryu của Hải quân Ấn Độ (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Tàu tuần tra INS Saryu của Hải quân Ấn Độ (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish đã cho biết thông tin trên tại tọa đàm "Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác", diễn ra sáng ngày 21/9 tại Hà Nội. Theo ông Harish, 12 tàu cao tốc mà Ấn Độ đang đóng cho Việt Nam trị giá khoảng 100 triệu USD.

Nhà ngoại giao Ấn Độ cho rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Vào năm 2015, Bộ trưởng quốc phòng 2 nước đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn, định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến năm 2020.

“Năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi, Bộ đội Biên phòng Việt Nam và một công ty của Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận về việc cung cấp các tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Thủ tướng Modi khi đó cũng công bố khoản vay 500 triệu USD cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước”, ông Harish nói.

Vào tuần tới, hai tàu hải quân của Ấn Độ sẽ có chuyến thăm thiện chí Việt Nam và ghé cảng Hải Phòng. Cũng tại Hải Phòng, nhiều quan chức từ lĩnh vực quốc phòng và đại diện các công ty quốc phòng của Ấn Độ, trong đó có các công ty đóng tàu, sẽ tham gia một hội thảo giữa hai nước về đóng tàu. Các công ty quốc phòng của Ấn Độ sẽ cùng đối tác Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và hàng hải.

Việt Nam là một trụ cột trong chính sách “Hành động phía Đông”


Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish tại tọa đàm sáng ngày 21/9

Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish tại tọa đàm sáng ngày 21/9

Tại buổi tọa đàm sáng nay, Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish đã gọi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong “Hành động phía Đông”, một chính sách tăng cường quan hệ với khu vực Đông Á của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi.

“Với Ấn Độ, ASEAN là hạt nhân trong chính sách “Hành động hướng Đông” và trung tâm của giấc mơ về một thế kỷ châu Á, và Việt Nam là một trụ cột quan trọng của chính sách đó”, Đại sứ Harish nói.

Đồng quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông”.

“Các vị lãnh tụ và danh nhân văn hóa nổi tiếng của Ấn Độ như Mahatma Gandhi và Rabindranath Tagore đã trở thành những cái tên rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam. Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là cái tên vô cùng quen thuộc ở Ấn Độ, khi tại 2 thành phố lớn là Delhi và Kolkata của Ấn Độ đều có các đại lộ mang tên Hồ Chí Minh”, ông Thuấn nói.

Theo Đại sứ Ấn Độ, mối quan hệ chính trị truyền thống giữa hai nước giờ đây đã mở rộng sang hợp tác an ninh và quốc phòng, hợp tác kinh tế tập trung vào thương mại và đầu tư, tăng cường giao lưu văn hóa và trao đổi nhân dân. Thương mại song phương đã tăng từ 237 triệu USD giai đoạn 2001-2002 lên trên 10 tỷ USD trong năm 2016-2017, tương đương mức tăng 4.000% trong thời gian 15 năm. Theo một báo cáo của HSBC, Việt Nam là đối tác nhập khẩu và xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Dộ trong các giai đoạn từ 2016-2020 và 2021-2030.

Tuy nhiên, Đại sứ Harish cũng cho rằng quan hệ song phương Việt - Ấn còn rất nhiều cơ hội ở tương lai phía trước, cần được tiếp tục khai thác. Ông cho biết hãng hàng không Vietjet dự kiến sẽ mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ cuối năm nay, và ông cũng khuyến khích các hãng hàng không khác mở các chuyến bay thẳng giữa hai nước. “Thúc đẩy sự kết nối là chìa khóa để tăng cường thương mại, đầu tư và du lịch”, ông nói.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, đã chỉ ra một số rào cản trong quan hệ thương mại Việt - Ấn như: Các khác biệt về văn hóa, tôn giáo; khả năng cạnh tranh sản phẩm của mỗi bên; lực hút quá lớn của các đối tác khác trong khu vực, ví dụ như Trung Quốc.

Theo ông Trung, để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai nước cần quảng bá, giới thiệu về bản thân của mỗi bên, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, học ngôn ngữ của nhau để tăng cường trao đổi và xem xét ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.

An Bình