1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ công khai chỉ trích Trung Quốc về chính sách thương mại không công bằng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chỉ trích chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối phó với các đòn áp thuế từ Mỹ.

Ấn Độ công khai chỉ trích Trung Quốc về chính sách thương mại không công bằng - 1

Các công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn, Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: China Daily)

Phát biểu tại một cuộc thảo luận ở Singapore hôm nay 9/9, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar cho biết Ấn Độ vẫn hoài nghi về việc tiếp cận thị trường “không công bằng” và “các chính sách bảo hộ của Trung Quốc”. Theo ông Jaishankar, điều này đã tạo ra thâm hụt thương mại đáng kể giữa hai nước.

Trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2019, thâm hụt thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ là 53,6 tỷ USD.

“Mối quan ngại lớn của Ấn Độ là mối quan hệ với Trung Quốc vì chúng tôi có thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Jaishankar trả lời câu hỏi liên quan tới các cuộc đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Các nhà đàm phán hy vọng rằng hiệp định RCEP, với sự tham gia của 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Mặc dù bộ trưởng của 16 nước tham gia RCEP tái khẳng định cam kết đạt được thỏa thuận trong năm nay sau các cuộc đàm phán tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần qua, song hiện vẫn chưa rõ mục tiêu này có đạt được hay không.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ về chính sách thương mại của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang trong những tuần gần đây. Mặc dù đã bắt đầu thực thi đợt áp thuế mới từ ngày 1/9, song hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến vẫn sẽ nối lại đàm phán vào tháng 10 tới.

Theo Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào “các vấn đề cấu trúc lớn” và “tiếp cận thị trường” trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tổng thống Donald Trump từ lâu đã chỉ trích các hành vi thương mại của Trung Quốc mà ông cho là gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.

Theo Fox News, khi nhắc tới “các vấn đề cấu trúc lớn”, ông Navarro dường như muốn đề cập tới chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, bao gồm sự hỗ trợ trong ngành thép. Động thái này của Trung Quốc đã tạo cho các doanh nghiệp Trung Quốc một lợi thế đang kể so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài.

Liên quan tới việc tiếp cận thị trường, giới chức Trung Quốc thường tìm cách xoa dịu tai tiếng của nước này như một nơi không ổn định để hoạt động kinh doanh. Lý do là vì quyết định của Trung Quốc về quan hệ thương mại với nước ngoài thường dựa trên tình hình chính trị quốc tế.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã hạn chế việc nhập khẩu hạt cải dầu từ Canada sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc Huawei, hồi đầu năm nay.

Theo nhà đàm phán thương mại Navarro, Mỹ sẽ không rút lại những yêu cầu của nước này trong bản thảo thỏa thuận từng bị Trung Quốc phá bỏ vào phút chót hồi tháng 5. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng cũng dự đoán hai nước vẫn gặp nhiều rào cản trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng về thương mại.

Tương tự Tổng thống Trump, ông Navarro tin rằng Trung Quốc đang phải “trả gánh nặng” thuế quan vì các nhà xuất khẩu Trung Quốc buộc phải hạ giá sản phẩm trong khi giá đồng Nhân dân tệ sụt giảm.

Thành Đạt

Theo CNBC