1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ báo động nạn "chảy máu" cổ vật

Thanh Thành

(Dân trí) - Hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật quý giá bị đánh cắp khỏi Ấn Độ mỗi 10 năm, đặt chính phủ nước này vào tình trạng rất lo ngại về vấn nạn chảy máu cổ vật kéo dài dai dẳng.

Ấn Độ báo động nạn chảy máu cổ vật - 1

Bốn bức tượng cổ của Ấn Độ được trưng bày trong buổi lễ Mỹ trao lại hơn 200 cổ vật cho nước này hồi tháng 6/2016 (Ảnh: Diplomat).

Ấn Độ mới đây cuối cùng được nhận lại được một số bảo vật quốc gia bị đánh cắp từ lâu. Mỹ đã trao lại hơn 248 cổ vật, trị giá ước tính 150 triệu USD cho New Delhi, đánh dấu đợt hồi hương lớn nhất của những cổ vật bị đánh cắp và bị buôn lậu ra khỏi nước này.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bàn giao 157 hiện vật cho Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, sau khi hai bên cùng cam kết "chống trộm cắp, buôn bán bất hợp pháp và buôn bán cổ vật".

Washington trả lại số cổ vật này cho Ấn Độ sau cuộc điều tra của văn phòng luật sư quận Manhattan và Cơ quan Thực thi Hải quan và Nhập cư Mỹ. Các nhà điều tra tập trung vào đường dây buôn lậu đồ cổ khét tiếng của ông trùm người Ấn Độ Subhash Kapoor, nơi hàng chục nghìn cổ vật được cho là buôn lậu vào Mỹ.

Kapoor bị cáo buộc buôn lậu khoảng 2.600 cổ vật trị giá 145 triệu USD vào Mỹ, hoạt động như một băng nhóm buôn lậu và phục chế nghệ thuật quốc tế ở khắp Brooklyn, Hong Kong, Ấn Độ, London và Singapore. Ông này hiện đang bị xét xử ở Ấn Độ. Kapoor lại gây chú ý vào tháng 8 vừa qua khi Australia trả lại cho Ấn Độ số đồ cổ trị giá 2,2 triệu USD được cho là do ông này cầm đầu.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB), cơ quan điều tra tội phạm hàng đầu của Ấn Độ, từ năm 2014-2021, trước khi thu hồi hàng loạt vào mùa hè và mùa thu năm nay, chỉ hơn 200 cổ vật Ấn Độ đã được trả lại hoặc đang trong quá trình bị trục xuất khỏi Mỹ, Australia, Singapore, Đức, Canada và Anh.

Con số này ít hơn rất nhiều so với số lượng khổng lồ đồ cổ được nhập lậu từ trong nước vẫn chưa được kiểm chứng. Theo một cuộc kiểm toán của Cục Tài trợ Từ thiện và Tôn giáo Ấn Độ vào năm 2018, 1.200 tượng thần cổ đã bị đánh cắp từ năm 1992-2017 chỉ riêng ở các ngôi đền thuộc bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. 4.408 món đồ đã bị đánh cắp từ 3.676 di tích được bảo vệ trên khắp Ấn Độ trong cùng thời gian, nhưng chỉ ngăn chặn phát hiện được 1.493 cổ vật. Những cổ vật còn lại được cho là đã được chuyển đến các đại lý và công ty đấu giá trên toàn thế giới.

Theo giám đốc điều hành vận chuyển người gốc Ấn S. Vijay Kumar có trụ sở tại Singapore, người đã viết cuốn sách "Kẻ trộm thần tượng" nói về tay buôn lậu cổ vật khét tiếng Subhash Kapoor, ước tính khoảng 1.000 tác phẩm nghệ thuật cổ đại bị đánh cắp từ các ngôi đền Ấn Độ mỗi năm và được vận chuyển đến thị trường quốc tế, nhưng chỉ 5% các vụ trộm được báo cáo.

"Chúng tôi ước tính có khoảng 10.000 tác phẩm nghệ thuật quý giá bị đưa ra khỏi Ấn Độ mỗi thập niên", ông Kumar, người chuyên theo dõi hành vi trộm cắp tượng các thần và nữ thần trong 15 năm, cho biết.

Vì vậy, theo ông Ấn Độ cần một đạo luật mạnh mẽ để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật của mình. "Hầu như tất cả các tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ bị đánh cắp trên thị trường quốc tế đều không có thông tin tài liệu rõ ràng", ông Kumar nói thêm.

Các nhà sử học cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống luật của Ấn Độ trong việc xem xét hành vi trộm cắp các kho báu lịch sử không hiệu quả. Hồi năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Prahlad Patel đã đề cập vấn đề này tại Quốc hội, cho biết một thực tế rằng: tất cả các cổ vật thu hồi được đều do các viện bảo tàng và các cơ quan liên quan của 3 quốc gia, bao gồm Mỹ, Australia và Anh, tự nguyện trao lại.

Ấn Độ đã ra Đạo luật cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật vào năm 1972 nhằm ngăn tình trạng đưa lậu cổ vật ra nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chính phủ cần phải làm nhiều hơn thế.

Các chuyên gia cho biết, có quá nhiều kẽ hở trong luật hiện hành. Theo họ, nguyên nhân cũng do nước này thiếu biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ buôn lậu khét tiếng như Kapoor, biên giới lỏng lẻo của đất nước và sự thiếu quyết liệt của giới chức chính phủ càng khiến vấn đề ngày càng tồi tệ hơn.