1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Amoni nitrat - "sát thủ thầm lặng" trong hàng loạt thảm kịch

Minh Phương

(Dân trí) - Amoni nitrat là chất hóa học dùng cho sản xuất phân bón nhưng nó cũng liên quan đến hàng loạt thảm kịch chết chóc trên thế giới, gần đây nhất là vụ nổ san phẳng một phần thủ đô Beirut của Li Băng.

Amoni nitrat - sát thủ thầm lặng trong hàng loạt thảm kịch - 1

Vụ nổ phá hủy một nửa thành phố Beirut. (Ảnh: Reuters)

“Bom hẹn giờ” trong kho cảng Beirut

Chính phủ Li Băng nghi ngờ rằng, "thủ phạm" gây ra vụ nổ kinh hoàng chiều 4/8 khiến ít nhất 135 người chết, khoảng 5.000 người bị thương chính là hơn 2.700 tấn amoni nitrat lưu trữ 6 năm qua tại một kho cảng cách trung tâm thủ đô Beirut chỉ vài phút đi bộ. Đó là số hóa chất bị hải quan Beirut tịch thu từ một con tàu mang cờ Moldova vào năm 2014 và được lưu lại trong kho ở cảng bất chấp cảnh báo mối nguy hiểm giống một “quả bom hẹn giờ”.

Hiện chưa rõ vì sao số amoni nitrat này phát nổ song truyền thông địa phương dân lời ông Hassan Kraytem, Giám đốc Cảng Beirut, cho biết vài giờ trước vụ nổ, các nhân viên đã tiến hành bảo dưỡng cửa nhà kho. "Cơ quan An ninh Quốc gia yêu cầu chúng tôi bảo trì một cửa của kho, và chúng tôi đã tiến hành bảo trì vào buổi trưa. Đến cuối giờ chiều thì vụ nổ xảy ra", ông Kraytem nói và cho biết thêm việc ban quản lý cảng đã nhiều lần đề nghị đưa toàn bộ số amoni nitrat ra khỏi khu vực cảng nhưng không được giải quyết.

Toàn cảnh vụ nổ san phẳng một phần thủ đô Li Băng nhìn từ trên cao

Amoni nitrat là một một chất hóa học công nghiệp được sử dụng rộng rãi trên thế giới cho ngành sản xuất phân bón nông nghiệp và thuốc nổ dùng trong ngành khai mỏ.

“Bản thân chất amoni nitrat tương đối an toàn, nhưng lại rất nguy hiểm khi gặp các chất xúc tác nhiên liệu như dầu mỏ hay các vật liệu hữu cơ. Nếu có thêm yếu tố nhiệt độ, hỗn hợp này có thể dẫn đến các thảm kịch”, Roger W. Read, Roger W. Read, Phó giáo sư Đại học New South Wales (Australia), cho biết.

Ông Stewart Walker, Phó giáo sư tại Đại học Adelaide, Australia, cũng cho hay, bản thân amoni nitrat không tự bốc cháy. Ông cho biết: “Trong trường hợp này (vụ nổ Beirut), có lẽ đã có yếu tố lửa, lửa khiến amoni nitrat phát nổ và trong một không gian kín nên sức nổ càng lớn”. Ông Walker phân tích, trong vụ nổ ở Beirut, ban đầu người ta nhìn thấy làn khói xám dày đặc, tiếp đến là làn khói màu đỏ cam được cho là màu đặc trưng của nitrous oxide - loại khí thoát ra sau phản ứng hóa học của amoni nitrat, và sau cùng là khói màu trắng hình nấm chính là “sóng xung kích”.

“Sát thủ thầm lặng” trong hàng loạt thảm kịch

Amoni nitrat - sát thủ thầm lặng trong hàng loạt thảm kịch - 2

Vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân , Trung Quốc năm 2015. (Ảnh: AFP)

Nếu vụ nổ ở Beirut được xác nhận là do amoni nitrat thì đây không phải lần đầu tiên loại chất hóa học này gây ra thảm kịch chết người hàng loạt. Mức độ tàn phá của vụ nổ ở Beirut có thể ví với vụ nổ ở thành phố Texas năm 1947 - vụ nổ khiến gần 400 người chết, phá hủy hơn 1.000 tòa nhà. Đó là vụ nổ gây ra bởi hơn 2.000 tấn amoni nitrat.

“Amoni nitrat không được bảo quản kỹ lưỡng gây ra hàng loạt vụ nổ, như vụ nổ ở Oppau, Đức; vịnh Galveston ở Texas và gần đây nhất là ở Waco, Texas và Thiên Tân ở Trung Quốc”, Andrea Sella, giáo sư tại Đại học London, cho biết.

Gần 200 người ở thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc vào năm 2015 khi một nhà kho chứa hàng trăm tấn hóa học nguy hiểm, trong đó có amoni nitrat, phát nổ. Năm 2013, vụ nổ tại một nhà máy phân bón ở Texas cũng khiến 15 người thiệt mạng, phá hủy 500 ngôi nhà. Vụ nổ mạnh tới mức nó gây ra một trận động đất mạnh 2,1 độ Richter.

Năm 2014, một xe tải chở amoni nitrat phát nổ phá hủy một cây cầu ở Queensland, Australia. Trước đó, năm 1972, một xe tải chở amoni nitrat sau khi gặp sự cố chập cháy, khiến 3 người thiệt mạng.

Những thảm kịch này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phải siết các quy định liên quan đến lưu trữ amoni nitrat. Theo đó, chuyên gia Walker cho rằng, loại hóa chất này cần được bảo quản ở vị trí cách xa khu đông dân cư, tránh các nguồn dễ gây cháy. Ngoài ra, do mức độ độc hại, nguy hiểm của chất hóa học này, cơ quan quản lý cần hạn chế phạm vi đối tượng được tiếp cận amoni nitrat, yêu cầu người mua phải có giấy phép.